Đề bài: Nghị luận xã hội Học để làm gì?
Con người luôn luôn có nhu cầu học hỏi, mở mang tầm hiểu biết. Chính nhờ việc tích lũy và tìm tòi tri thức mà con người có sự phát triển vượt bậc như ngày nay. Trong xã hội, những con người có hiểu biết rộng luôn được trọng vọng, những người cầu tiến, ham học hỏi luôn được mọi người quý trọng, giúp đỡ. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể hiểu hết được mục đích cũng như tầm quan trọng của việc học. Chính vì vậy mà UNESCO – Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên hiệp quốc đã đưa ra đề xướng: “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” như một định hướng cho việc học tập của mọi người. “Học” là quá trình tiếp thu và tích lũy kiến thức. Chính từ quá trình này, chúng ta mới biết được những điều cần thiết làm hành trang trong đời. Có học, chúng ta mới có đủ kiến thức để giải quyết những khó khăn và đạt được những thành công trong công việc. Có tìm tòi về thế giới, chúng ta mới biết về những nền văn hóa mới, mới biết được cách tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia, từ đó, chúng ta mới có thể chung sống trong hòa bình, hòa hợp. Và có học, chúng ta mới có thể tạo được chỗ đứng riêng của mình, khẳng định được bản thân trong xã hội. Đó chính là những tác động to lớn của việc học mà UNESCO muốn gửi gắm trong câu “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Chẳng phải, đây là những điều chúng ta luôn mong muốn, luôn đặt làm mục tiêu hàng đầu để phấn đấu, nỗ lực hay sao? Thông qua lời đề xướng, UNESCO đã mang đến cho chúng ta một thông điệp: việc học sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho cuộc đời mỗi con người và có thể là cả thế giới. Kiến thức là một kho tàng bao la vô tận. Tất nhiên là không một ai có thể nắm giữ hết kho tàng ấy, bởi vì nó quá to lớn và luôn luôn mở rộng không ngừng. Tuy vậy, con người chúng ta luôn có khao khát được chinh phục kho tàng này, dù việc đó chẳng dễ dàng gì. Và chỉ có việc học mới có thể giúp chúng ta thực hiện ước mơ đó. Chúng ta có thể học từ nhiều nguồn, bằng nhiều cách khác nhau. Không có một công thức nào, cũng không có giới hạn nào về thời gian và không gian cho việc học cả. Chúng ta có thể học từ thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh; học từ những kinh nghiệm trong cuộc sống,… rồi lại mang những kiến thức đó áp dụng vào cuộc sống, “làm giàu” cho bản thân ta cả về vật chất lẫn tinh thần và thậm chí giúp đỡ những người khác. Một đất nước có nhiều công dân có trình độ, có tri thức sẽ phát triển rất nhanh và nhanh chóng trở thành một nước phát triển, giàu có, thịnh vượng.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ ngàn đời nay. Xưa kia, có không ít những vị Trạng nguyên nhà nghèo nhưng vẫn quyết chí học hành, dùi mài kinh sử, gắng đem công sức, hiểu biết của bản thân ra xây dựng đất nước. Nhiều người trong số họ đã giúp đất nước ta giữ vững độc lập, chủ quyền. Họ đã khẳng định được mình và được lịch sử vinh danh. Ngày nay, hàng ngàn học sinh trên cả nước dù gặp khó khăn về vật chất nhưng vẫn cố gắng đi học vì họ biết rằng học tập là con đường duy nhất có thể thay đổi cuộc sống của họ, giúp họ chứng tỏ được mình trong xã hội. Thậm chí, cả những người đã có địa vị, có được nhiều thành công trong công việc vẫn phải học. Họ không nhất thiết phải đi học, song họ đã tự ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc sống, với công việc, với sự nghiệp của mình. Có lần, một tờ báo đăng một bài viết về lớp học tiếng Việt ở Đức, về việc học tiếng Việt, văn hóa Việt của những người Đức chuẩn bị sang Việt Nam là việc. Không ai yêu cầu họ làm như vậy, nhưng họ biết đó là những điều cần thiết cho cuộc sống của họ ở một đất nước mới với nền văn hóa khác biệt rất nhiều so với văn hóa Đức.
Học hành có ý nghĩa to lớn như vậy, song không phải ai cũng nắm bắt được mục đích của việc học. Có những bạn học sinh chây lười, chán nản, bỏ bê học hành; lại có những bạn học hành qua loa, không nghiêm túc với hy vọng vượt qua được những kỳ kiểm tra mà không chú ý đến việc học thực chất. Như vậy, làm sao các bạn có thể nắm bắt được những kiến thức cần thiết cho mai sau? Liệu rồi đây, các bạn sẽ đương đầu với những thử thách trong cuộc sống như thế nào nếu không có một nền tảng tri thức vững chắc? Lại còn những bạn học hành rất chăm chỉ, luôn luôn dành thời gian cho việc học mà quên mất thời gian cho thế giới bên ngoài. Có lẽ các bạn quên rằng thế giới ấy luôn ẩn chứa những bài học bất ngờ mà sách vở không bao giờ có thể dạy cho các bạn được. Và cũng chính thế giới ấy mới là nơi các bạn thực hành và trải nghiệm những kiến thức các bạn học được. Học hành rất quan trọng, song cách học cũng như cách sắp xếp, cân bằng thời gian giữa học và thư giãn cũng rất quan trọng.
Nếu không biết phương pháp học phù hợp thì dù học rất nhiều song ta không tiếp thu được bao nhiêu, còn nếu không cân bằng được thời gian ta sẽ bị quá tải, từ đó dẫn đến chán nản rồi cuối cùng là lười học. Một trò chơi nhỏ, một bản nhạc hay một bộ phim yêu thích sẽ giúp ta xua tan căng thẳng, chuẩn bị cho việc tiếp thu những kiến thức mới. “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” là một điều đúng đắn, và lời đề xướng này càng có ý nghĩa hơn nữa khi con người càng ngày càng phát triển hơn, tiến bộ hơn và chân trời tri thức ngày một rộng hơn. Trong tương lai, khi toàn thế giới đã chuyển sang nền kinh tế tri thức, kiến thức sẽ là nhân tố chính để có được chỗ đứng trong xã hội. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau nhân loại thì ta chỉ có một con đường là học mà thôi. Học để có thể tiến ra thế giới, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” với một thái độ kiêu hãnh chứ không phải tự ti, rụt rè.
Nguồn Edufly
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh hay nhất
Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh Bài làm: [...]
Th11
Thuyết minh về con trâu – Văn lớp 8
Đề bài: Thuyết minh về con trâu Bài làm Từ biết bao đời nay, hình [...]
Th11
Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” – Văn lớp 8
Đề bài: Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ Bài làm Ai trong chúng ta [...]
Th11
Thuyết minh về một loài hoa – Văn lớp 8
Đề bài: Thuyết minh về một loài hoa Bài làm Hôm qua tát nước đầu [...]
Th11
Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Đề bài: Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn [...]
Th11
Cảm nghĩ của em về nhân vật “tôi” trong “Tôi đi học” của Thanh Tịnh
Đề bài: Cảm nghĩ của em về nhân vật “tôi” trong “Tôi đi học” của [...]
Th11