Tục ngữ có câu: Đất rắn trồng cây khẳng khiu Những người thô tục nói điều phàm phu. Em hãy giải thích câu tục ngữ trên.

Tục ngữ có câu: Đất rắn trồng cây khẳng khiu Những người thô tục nói điều phàm phu. Em hãy giải thích câu tục ngữ trên.

Hướng dẫn

Ông cha ta đã đúc rút kinh nghiệm từ ngàn năm và truyền lại cho con cháu qua những câu ca dao tục ngữ đầy ý nghĩa. Mỗi câu ca dao tục ngữ được truyền lại đến hôm nay là lời khuyên là lời răn dạy mà cho ông dành cho con cháu. Kinh nghiệm mà cha ông để lại là mọi lĩnh vực trong cuộc sống và trong lao động sản xuất. Có nhiều câu tục ngữ còn nói đến tính cách đạo đức của con người:

“Đất rắn trồng cây khẳng khiu

Những người thô tục nói điều phàm phu”

Ông cha ta thật là sâu sắc và chí lý khi đưa ra câu tục ngữ dựa trên sự suy ngẫm so sánh từ một quy luật về tự nhiên: Đất mà cằn cỗi, bạc màu, khô cứng thì cây sẽ “khẳng khiu”, không cành lá, không đơm hoa kết trái, cũng như con người vậy. Những con người sinh ra và lớn lên vô văn hóa, không hiểu biết thì chỉ phát ra những lời thô tục tằn, thậm chí ác độc, không tình cảm.

Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ giúp ta hiểu được cây cối phát triển phụ thuộc vào đất, con người nói năng cư xử phụ thuộc vào bản tính. Lối nói so sánh ngầm giữa hình ảnh: “đất rắn – cây khẳng khiu” với “người thô tục – nói điều phàm phu” đã gợi ra trong suy nghĩ của ta một điều: bản tính của con người hình thành còn dựa vào hoàn cảnh sống và điều kiện sống. Với một môi trường sống vô văn hóa, liệu con người có bị ảnh hưởng không? Con người trong môi trường đó rất dễ trở thành những con người thiếu giáo dục, cất lên những tiếng nói làm đau lòng người.

Trong mọi xã hội đều có các thành phần, tầng lớp con người khác nhau câu tục ngữ đã giúp ta hiểu thêm về mặt trái của xã hội, nơi có những con người sống giữa một mớ bòng bong các điều xấu xa của xã hội. Họ bị ảnh hưởng bởi xã hội xấu xa, vì vậy họ cũng là những con người vừa đáng trách vừa đáng thương. Theo quy luật của cuộc sống cây lớn lên, phát triển được là nhờ vào những chất dinh dưỡng có trong đất mẹ. Đất tiếp cho cây dòng nước ngọt ngào, dòng “sữa” tinh khiết, đất cho cây những thứ mà không gì thay thế được. Rễ cây bám sâu vào lòng đất, đi tìm những thứ tinh túy để nhào nên nhựa sống mạnh mẽ trong đất. Nhưng kết quả sẽ như thế nào, nếu đất bạc màu, khô cằn, không nước, không chất dinh dưỡng. Cây sẽ mất đi sự sống, gầy bé, héo hon, sao có cành lá, sao có ra hoa kết quả. Đó thực sự là một kết quả đau thương, nhưng đó lại là sự thực. Con người cũng như vậy, luôn chịu sự tác động của hoàn cảnh sống. Giữa một môi trường xấu, đầy rẫy những lời nói thô tục, liệu con người, nhất là trẻ em, học đâu ra những lời nói trong sáng, thanh lịch được đây? Thêm với sự thiếu hiểu biết, nghèo kiến thức, họ sẽ nhanh chóng trở thành những con người “thô tục”, cất lên toàn những lời nói “phàm phu”. Điều đó lâu dần trở thành bản chất không tốt, thiếu văn hóa, thiếu nhân tính. Cũng như Chí Phèo, xưa kia hiền lành như là thế, ăn nói rụt rè lễ phép là thế. Chỉ vì bị bá Kiến đẩy vào tù, vài năm sống chung với bọn đầu gấu trong tù cộng với lòng hận đời, anh ta trở nên hung dữ, ăn nói cộc cằn thô lỗ, mở miệng là chửi. Xét về một mặt nào đó thì hoàn cảnh nhà tù đen tối xấu xa đã biến đổi con người Chí Phèo. Mới hay tác động của hoàn cảnh là ghê gớm thật.

Xem thêm:  Chứng minh ca dao là lời hát tâm tình là bài ca về tình yêu quê hương đất nước của người lao động

Câu tục ngữ chỉ ra cho chúng ta rằng: cây cỏ phụ thuộc vào đất, con người phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta phải chịu bó tay nhìn “cây khẳng khiu”, nghe toàn những “lời phàm phu”. Con người có thể cải tạo đất thì con người cũng có thể cải tạo hoàn cảnh sống của mình. Con người bằng tri thức khoa học và nhiệt tình với cây cỏ có thể phân tích tìm xem vì sao đất xấu, để tăng những thành phần phì nhiêu mà nó thiếu. Đất sẽ màu mỡ dần lên, nhờ đó cây sẽ đủ chất mà lớn lên xanh tươi, tràn trề nhựa sống, nở hoa, sai trái. Và bằng nguồn ánh sáng văn hóa, bằng tình cảm cộng đồng, chúng ta có thể cải tạo môi trường sống xung quanh ta, làm lành mạnh lối sống, nếp nghĩ của ta và mọi người quanh ta. Con người sẽ sống lương thiện hơn, sẽ nói những lời nhân ái, đoan trang, ngọt ngào hơn. Có những người khéo nói, giọng ngọt sớt, ngôn ngữ văn hoa, nhưng lại nhằm che giấu tâm địa, lừa người khác vào cảm bẫy mà hại người. Những lời nói đó tuy nghe không thô bỉ bẩn tai, nhưng lại ẩn sự độc ác. Đó cũng không phải là những lời nói đẹp. Muốn loại trừ nó không chỉ có nhiệt tình mà phải có tri thức, thông minh sắc sảo trong cuộc sống.

Xem thêm:  Viết bài văn kể về người mẹ yêu quý của em

Câu tục ngữ đã cho ta hiểu được nguyên nhân dẫn đến những điều, những con người chưa được hoàn hảo trong xã hội và cũng là lời khuyên lời răn dạy chúng ta phải biết nhìn nhận một cách đúng mức để từng bước kéo những con người đang đi lệch hướng với xã hội trở lại xây dựng một xã hội văn minh thanh lịch.

Theo Tacgiatacpham.com