Tưởng tượng 20 năm sau em về thăm trường cũ viết thư cho bạn học kể lại chuyến thăm đó

Thi sĩ Xuân Diệu có lần đã phải thốt lên đầy tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian:

  •  ” Xuân đương tới nghĩa là xuân sẽ qua
  •  Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
  •  Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
  • Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

Thế đấy, thời gian một đi không trở về đã biến những thứ đẹp đẽ, trân quý thành một miền kí ức xa xôi. Thanh xuân của tôi cũng vậy. Bốn năm học dưới mái trường THCS Trần Huy Liệu đã để nhớ để thương cho tôi nhiều quá. Mỗi khi nhớ lại cả một đợt sóng cứ tuôn trào, vừa vui vừa buồn, vừa tiếc nuối vừa bâng khuâng. Trong chương trình ngữ văn lớp 9, các bạn sẽ bắt gặp đề bài viết thư cho bạn học cùng tưởng tượng 20 năm sau về thăm lại trường cũ. Ở đề bài này, trước hết các bạn cần đảm bảo hình thứ của một bức thư, sau đó đi vài trọng tâm như hoàn cảnh, tâm trạng trước khi về trường; miêu tả khung cảnh và kỉ niệm. Sau đây là hai bài văn mẫu như những gợi ý để các bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 TƯỞNG TƯỢNG 20 NĂM SAU VỀ THĂM LẠI TRƯỜNG CŨ VIẾT THƯ CHO BẠN CŨ KỂ LẠI CHUYẾN THĂM ĐÓ

Nam Định, ngày 5 tháng 6 năm 2015

Ngọc Vy thân mến!

Chắc hẳn cậu cũng đã biết mình là ai rồi nhỉ. Tớ là Vân Anh, đứa bạn học cùng bốn năm cấp hai đây. Mới mấy năm trước, khi kết thúc năm học lớp 9 chúng mình còn bịn rịn chia tay nhau để cậu vào miền Nam học vì gia đình chuyển nhà. Thế mà bây giờ chúng mình lại sắp cùng nhau bước vào cánh cổng đại học, thời gian trôi đi nhanh như một cái chớp mắt vậy. Dạo này cậu có khỏe không? Bố mẹ cậu chắc vẫn thế, còn thằng cu Bin chắc lớn hơn nhiều rồi. Tớ vẫn nhớ hình ảnh của nó khi phải chia tay bạn bè ở xóm, nó khóc tu tu, nhìn vừa đáng thương lại đáng yêu. Tớ thì vẫn vậy Vy ạ, lớn hơn một xíu thôi. À, hôm trước trong lúc ngồi ngắm trăng tớ đã tưởng tượng ra 20 năm sau mình trở về thăm lại trường cấp 2. Câu chuyện thật hay và hấp dẫn, đã đưa  mình trở về thời học sinh hồn nhiên ngây thơ. Bây giờ, tớ sẽ kể cho cậu nghe nhé.

Vào mùa hè năm 2035, khi ấy tớ đã trở thành một nhà báo công tác tại tờ báo địa phương. Một lần nhận nhiệm vụ, tớ được giao về tìm hiểu về ngôi trường với bề dày thành tích mà chúng ta đã từng theo học- trường trung học cơ sở Trần Huy Liệu. Ngồi trên chiếc oto dọc theo quốc lộ 10 để trở về ngôi trường xưa, trong lòng tớ dâng lên bao cảm xúc bồi hồi khó tả. Vừa hồi hộp không biết ngôi trường có đổi thay gì không, lại bâng khuâng nhớ về một thời đã xa. Và chẳng mấy chốc sau khi nghĩ suy, tớ và đoàn công tác cũng đã đặt chân tới nơi mà gắn bó với mình đến 4 năm. Con đường dẫn vào trường vẫn thế Vy ạ. Nó vẫn rộng rãi, khoác lên mình tấm áo bê tông phẳng lì. Có điều, những cây bàng cây phượng hai bên mà hồi trước chính tay bọn mình trồng cũng đã lớn hơn nhiều, tỏa những tán lá xanh mát che bóng mát. Tớ thấy mọi thứ vừa thân thuộc, gần gũi mà cũng có chút lạ lẫm, có lẽ là bởi thời gian khiến người ta dần xa với những thứ mình quen đâh mà. Chiếc cổng trường đã hoàn toàn được xây mới, khang trang và to đẹp hơn nhiều so với ngày xưa. Cổng gồm 2 cổng phụ và một cổng chính, xung quanh ốp đá hoa mà đỏ thẫm rất đẹp. Nổi bật ở chính giữa là dòng chữ ” Trường THCS Trần Huy Liệu” và bên dưới là câu nói nổi tiếng của V. Lê nin ” Học, học nữa, học mãi”.

Xem thêm:  Soạn văn Bài 25: Mây và sóng

Bước chân khỏi cánh cổng, khung cảnh ngôi trường hiện ra trước mắt mình cũng không có gì thay đổi nhiều. Bước chân trên những góc sân in dấu kỉ niệm, tớ đi thăm các lớp học. Vẫn thế Vy ạ, rộng rãi và thoáng mát. Có điều bây giờ công nghệ hiện đại nên lớp học được trang bị các thiết bị tiên tiến để dạy và học như máy tính, máy chiếu, loa… Đi hết hai dãy phòng học là đến bếp ăn. Nhớ lại hồi xưa bọn mình nhà xa còn phải  mang cơm đi học, còn các em bây giờ được phục vụ cơm tại trường để đảm bảo an toàn và sức khỏe. Ở góc sân, cây bằng lăng đã nở hoa tím đến nao lòng. Đây cũng là lúc báo hiệu một năm học đã kế thúc và các em học sinh cuối cấp đang chăm chỉ, gấp rút chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp.

Đang đi dạo trên sân trường thì tớ gặp lại thầy Thái- trưởng ban quản sinh hồi xưa của bọn mình đấy. Thầy trò gặp nhau, ôn lại kỉ niệm. Nhớ những buổi trưa bọn mình mải trò chuyện không chịu ngủ, thầy lại lên quát và bắt ngủ. Đứa nào mà không ăn hết cơm thầy lại dọa đánh bằng cái dây thừng to. Hồi đấy cứ nghe thầy dọa là sợ, nên nghe lời thầy răm rắp. Mái tóc thầy đã điểm những sợi bạc nhưng nhìn thầy vẫn tâm huyết và vui tính như ngày nào. Nụ cưỡi mạn nguyện nở trên môi khi biết học trò cũ ai cũng thành đạt.

Sau khi có đầy đủ thông tin cũng là lúc mình trở về cơ quan. Chia tay thầy và ngôi trường trong sự bị rịn thương nhớ hệt như ngày cuối cùng mình còn được ngồi trên ghế nhà trường vậy.

Thôi thư đã dài rồi, mình xin dừng bút tại đây. Cho mình gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến gia đình cậu, chúc cậu luôn xinh đẹp và học giỏi.

Bạn thân của Vy

Vân Anh

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 TƯỞNG TƯỢNG 20 NĂM SAU EM VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ.

Hà Nội ngày 21 tháng 9 năm 2037        

Tú Anh thân mến!

Dạo này cậu và gia đình có khỏe không? Công việc của cậu ổn cả chứ? Cũng phải mấy tháng rồi chúng mình vẫn chưa liên lạc với nhau nhỉ? Cậu có nhớ bài hát “Nắng mùa hạ” của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh mà cả mình và cậu ngày xưa vẫn thích nghe không: “Đã mấy năm nay. Tôi chưa về thăm trường lần nào. Đã mấy năm nay. Cây phượng hồng thêm phần già nua. Không biết lúc này có gì đổi thay. Thời gian có làm nếp nhăn thêm đầy?”. Mỗi lần nghe bài hát ấy, lòng mình lại bất giác chùng xuống khi nhớ về ngôi trường cấp ba chúng mình đã học. Đã hai mươi năm qua, mình chưa có dịp được về thăm trường vì bận làm việc ở đất nước Hàn Quốc này quá. Vì thế nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập trường lần này, mình quyết định thu xếp công việc để về thăm lại mái trường xưa.

Trên máy bay, mình cứ bồn chồn không yên, vừa háo hức vừa lo lắng. Háo hức vì được trở về nơi đã nuôi dưỡng ước mơ khôn lớn. Lo lắng vì không biết thầy cô giáo đã từng dạy mình đã về hưu hoặc còn công tác ở trường hay không. Trong thâm tâm mình lẫn lộn bao nhiêu câu hỏi, chất chứa cả sự hối hận, ăn năn vì đã hai mươi năm qua chưa về thăm trường được lần nào. Vừa đáp xuống sân bay, mình định về nhà trước để thu xếp đồ đạc rồi mới trở về trường.

Con đường đến trường vẫn như ngày nào, vẫn sắc tím biêc biếc của hoa bằng lăng lẫn trong sắc đỏ rực của “hoa học trò”, vẫn những bóng cây xanh ngày ngày che bóng cho học sinh đến trường. Bước đến cổng trường, một thế giới kì diệu như mở ra trước mắt mình, thế giới của những ước mơ, những hoài niệm, những yêu thương, của những tri thức bao la mà thầy cô luôn hết lòng tận tụy truyền cho mỗi lớp học trò. Cậu biết không, trường mình thay đổi nhiều quá. Vẫn là tên mái trường thân yêu ấy “Trường THPT lê Hồng phong” nhưng không còn là cánh cổng sắt màu xanh, thay vào đó là cánh cổng tự động làm bác bảo vệ không còn phải vất vả mở ra đóng vào như trước nữa. Vì trường đang làm lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập trường nên các băng dôn, khẩu hiệu được trang trí lộng lẫy. Bước vào trường là sân cát mà lũ con trai lớp mình ngày nào vẫn ra đây đá bóng vào mỗi giờ ra chơi. Ôi mình thấy nhớ những tiếng hò reo cổ vũ lúc ấy quá. Bên cạnh là vườn hoa đã được xây hàng rào xung quanh. Những bông hoa muôn sắc màu rung rinh trong gió, đang hiến dâng hết sắc đẹp của mình cho cuộc đời. Cậu có nhớ cây xoài nhỏ mà mình và cậu vẫn thường chăm sóc không. Bây giờ, cây đã lớn lắm rồi, thân cây phải một vòng tay mình ôm mới xuể. Trên cây lúc lỉu những trái xoài xanh bóng, lấp ló trong tán lá màu xanh đậm. Dãy nhà hội đồng mái ngói ngày xưa đã được xây lại thành dãy nhà ba tầng khang trang, sạch đẹp. Mình về hôm chủ nhật nên sân trường rất yên ắng, chỉ có một vài thầy cô giáo còn ở lại trường để làm nốt công việc. Đang đi dạo thì mình bỗng nghe thấy tiếng nói trầm ấm vang lên từ đằng sau:

– Em có phải là Thủy học sinh lớp A1 khóa 58 đấy không?

Cậu biết người gọi mình là ai không. Chính là thầy Sơn dạy toán đáng kính của chúng ta đấy. Mình gần như không thể tin vào tai mình nữa:

– Thầy…thầy vẫn còn nhớ em sao?

– Sao thầy lại không nhớ, học sinh tiêu biểu của lớp tiêu biểu mà. Thầy mỉm cười

Lòng mình dâng lên nỗi xúc động khó tả. Lúc chúng mình còn học ở trường, thầy còn là một thầy giáo trẻ tuổi, mới vào nghề được sáu năm. Lớp mình học giỏi nhất khối nhưng cũng nổi tiếng với những trò quậy phá nhất trường. Thầy còn trẻ nên nhiều lúc cũng tham gia vào trò chơi của bọn mình khiến thầy không ít lần bị quở trách. Vậy mà, đứng trước mắt mình bây giờ là một người thầy giáo già, mái tóc đã nhiều sợi bạc nhưng vẫn là nụ cười ấm áp ấy. Mình và thầy vào phòng giáo viên để ôn lại kỉ niệm. Hóa ra có những chuyện mà mình không nhớ nhưng đối với thầy chỉ mới như xảy ra ngày hôm qua. Thật ngạc nhiên phải không, Tú Anh?

Xem thêm:  Kể lại một buổi sinh hoạt lớp ở đó em đã phát biểu ý kiến chứng minh Nam là người bạn tốt

Nói chuyện một hồi, mình xin phép thầy để đi thăm quan trường một vòng. Chắc không phải nói thì Tú Anh cũng biết nơi mình đặt chân đến đầu tiên là gì rồi phải không? Đó chính là lớp học thân yêu đã chứng kiến biết bao kỉ niệm của tập thể A1 K58 ngày nào. Lớp học thay đổi nhiều quá. Bàn ghế đã được thay mới hoàn toàn. Ghế được lót một miếng đệm ở dưới nên ngồi rất thoải mái. Lớp được trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ cho việc học như máy tính, loa, máy chiếu, màn chiếu. Các thầy cô giáo không phải viết bảng như ngày trước mà soạn bài trên máy tính rồi gửi email cho các học sinh bằng hòm thư chung. Nhiệm vụ của học sinh là nắm chắc kiến thức đó đồng thời tìm hiểu thêm qua việc đọc sách để ngày mai đến lớp chỉ thảo luận về những điều còn băn khoăn. Mỗi lớp đều có lắp đặt một máy điều hòa nhiệt độ hai chiều giúp mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Đèn học sử dụng là loại đèn tiên tiến chống cận, giúp học sinh không bị mỏi mắt khi học tập. Cuối lớp có đóng một tủ sách với những đầu sách phù hợp với việc học tập trên lớp. Các em học sinh còn biết trang trí lớp học của mình sao cho đẹp nhất với các phụ liệu tự làm. Dãy nhà đa năng cho việc thực hành và thí nghiệm được tu bổ, sửa sang, các vật dụng thí nghiệm cũng được thay mới hoàn toàn và được bảo toàn kĩ lưỡng. Học sinh được thực hành nhiều hơn, tránh việc học kiến thức khô khan. Vì để phù hợp cho chương trình giáo dục mới nên thư viện xây hẳn hai phòng to, một phòng chứa sách và một phòng đọc sách. Sách ở đây rất phong phú nên học sinh có thể đến trường đọc sách bất cứ lúc nào không kể ngày nghỉ. Trong lòng mình dâng lên suy nghĩ: “Học sinh bây giờ được chu cấp đầy đủ, không thiếu thốn, khó khăn về điều gì, nên mong các em hãy phấn đấu học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp”.

Buổi về thăm trường sau hai mươi năm xa cách đối với mình có rất nhiều cảm xúc. Tự hào vì các thầy cô và học sinh gặt hái thêm nhiều danh hiệu cao quý. Xúc động vì gặp lại người thầy năm xưa. Nhưng cũng nuối tiếc về những gì ngày xưa đã thay đổi đi rất nhiều. Mình hi vọng một ngày nào đó, tập thể A1 K58 chúng mình sẽ tề tụ đông đủ ở mái trường này, chụp lại một bức hình lưu niệm nhé! Thôi thư đã dài, mình xin dừng bút ở đây. Lúc nào rảnh, hai đứa mình sẽ tổ chức một buổi gặp mặt nhé.

Bạn thân

Thanh Thủy – Jeong Si        

Nguồn Internet