Trình bày cảm nghĩ về bài Cuộc chia tay của những con búp bê

Trình bày cảm nghĩ về bài Cuộc chia tay của những con búp bê

Bài làm

Đã có rất nhiều những tác phẩm nhạc, kịch, tranh ảnh, hay văn học nói đề cập tới vấn đề quyền trẻ em. Bởi vấn đề này đang là một mối bận tâm hàng đầu của xã hội. Trẻ em là những trang giấy trắng, mỏng manh và dễ tổn thương. Chúng cần được che chở, bảo vệ và chăm sóc. Thế nhưng thực tế lại có rất nhiều cặp cha mẹ li hôn, làm tan vỡ gia đình và tổ ấm của các em. Truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” đã phản ánh sâu sắc hiện thực đó.

Hai nhân vật chính là Thành và Thủy vốn là hai anh em rất yêu thương nhau, rất biết đùm bọc, che chở cho nhau. Tình cảm đó được tác giả Khánh Hoài miêu tả rất cụ thể trong một số chi tiết như: Thành đi đá bóng bị rách áo, Thủy đem kim chỉ ra rân sân để vá cho anh. Đó là một minh chứng tuy bình dị và giản đơn nhưng đã thể hiện được tình cảm rất chân thành và tình nghĩa của hai anh em. Hai anh em luôn đi học cùng nhau và “vừa đi vừa trò chuyện”.

Cho tới khi hai bố mẹ quyết định bỏ nhau, đồng nghĩa với việc hai anh em cũng phải chia đôi, anh theo bố, em theo mẹ. Nỗi đau ấy của những đứa trẻ khiến chúng đau đớn đến ngạt thở, Thủy “khóc nức nở, tức tưởi”, còn Thành “cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc to, nhưng nước mắt của tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gối”. Đó là nước mắt của sự đau đớn, tủi nhục khi gia đình tan vỡ, khi tình cảm bị chia cách. Đến lúc phải chia đồ chơi thì hai anh em ai cũng muốn nhường cho người kia, ngay cả con búp bê và hai anh em đều không muốn chia xa. Khi phải chia hai con búp bê Em nhỏ và Vệ sĩ ra, một mặt Thủy nghĩ đó là hành động ác, nhưng một mặt Thủy lại rất lo cho anh vì sợ rằng không có người “gác đêm cho anh”.

Thật là một cô bé giàu tình cảm, giàu lòng yêu thương tha thiết và chân thành. Cuối cùng Thủy đã để hai con búp bê lại cho anh, để cho hai con búp bê không phải xa nhau, đó là một tình cảm vị tha rất đáng ngưỡng mộ. Chi tiết Thủy đến trường chi tay lớp đã khiến cho người đọc không còn kìm được cảm xúc của mình. Chi tiết ấy đã phản ảnh một thực tế đau lòng của những đứa trẻ bị rơi vào bế tắc, không còn đườn đi và lối thoát. Em không còn được đi học, tương lai của em mù mịt tối tăm, cha mẹ em đã không làm tròn trách nhiệm, đã phá vỡ mái ấm lại lấp đi tương lai của em.

Tác giả đã tái hiện lại quang cảnh sau khi hai anh em rời khỏi trường học “mọi người đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Thành kinh ngạc vì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường vậy àm hai anh em lại phải chịu tai họa giáng xuống. Gia đình em đã không còn nguyên vẹn, cuộc sống sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, và đáng lẽ ra những đứa trẻ ấy phải được hưởng và sống trong hạnh phúc gia đình.

Với giọng văn nhẹ nhàng mà da diết, đầy day dứt, tác giả Khánh Hoài đã cho người đọc cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát của những đứa trẻ khi gia đình tan vỡ. Nỗi đau ấy bao tùm lên toàn bộ tác phẩm và chạm vào mỗi tấm lòng của người đọc, từ đó làm bài học về hạnh phúc gia đình và việc gìn giữ tổ ấm của những bậc làm cha mẹ.