Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Bài làm
Kim Lân là một trong những nhà văn nổi tiếng bậc nhấc trong nền văn chương Việt Nam hiện đại với những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của ông, một con người mang trong mình tinh thần dân tộc, tinh thần quần chúng lao khổ sâu sắc. Trong tất cả những đề tài trong sự nghiệp sáng tác của mình, đề tài viết về nông dân, về cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo trước cách mạng của ông được coi là có độ phổ biến với nhân dân nhất. Và Làng là một trong những sáng tác nổi bật. Tác phẩm kể về nhân vật chính là ông Hai, cũng là nhân vật trung tâm và nhân vật mang tư tưởng cho toàn bộ truyện ngắn.
Ông Hai là người làng chợ Dầu và ông là người có tình yêu làng mãnh liệt. Đối với ông, đó không chỉ là quê hương bản quán, là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là ruột thịt của ông, là trái tim ông, là niềm tự hào của ông, là đại diện cho những cảm xúc trong ông, vui buồn, tủi hận đều từ đó mà sinh ra. Ông yêu ngôi làng của mình như một phần thiết thực tựa như gia đình, tựa như những điều thân thương nhất của cuộc đời. Ông tự hào vô cùng, ông không ngại ngần mà khoe khoang về ngôi làng với: "Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất". Ông khoe về cái làng nhỏ bé của ông không chỉ đẹp mà còn rất đoàn kết mà đặc biệt hơn là có tinh thần kháng chiến, tinh thần dân tộc mãnh liệt vô cùng: "những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ thời kỳ còn bóng tối. Những buổi tập quân sự. Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai. Mỗi lần hô động tác, anh huấn luyện viên lại phải đệm tiếng ạ… thườn thượt đằng sau: “Nghiêm ạ!… Nghỉ ạ!… Vác súng lên vai ạ!…”. Nhất là những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì làm công trình không để đâu hết….". Đối với ông, ngôi làng chiếm lĩnh những nghĩ suy, cảm nhận, cảm xúc trong đời sống của ông rất nhiều.
Một sự đổi thay đến với ông, đến với cuộc đời ông một cách mà ông không hề mong muốn, mong có sự chào đón. Vì tình hình đổi thay của cách mạnh, gia đình ông buộc phải chuyển đi tản cư. Ông đau đớn, dằn vặt vô cùng, ông không muốn xa làng, ông muốn cùng anh em nguyện thề sống chết bảo vệ ngôi làng dù có phải đánh đổi bằng bất cứ giá nào, nhưng rồi nhìn cảnh vợ con nheo nhóc mà ông lại là trụ cột gia đình nên ông lại đành buông xuôi. Tình yêu làng của ông gắn bó sâu sắc với tình yêu nước chính vì vậy ông coi đó là một nhiệm vụ cách mạng để có thể ra đi thanh thản.
Tại nơi tản cư, không giây phút nào những suy nghĩ về ngôi làng chợ Dầu ấy thôi không đeo bám ông. Một trong những công việc thiết thực hàng ngày của ông là đọc báo, xem tin tức kháng chiến. Ông vui như trẻ thơ mỗi khi đọc được những tin tức thắng trận của quân ta, rồi cũng buồn tủi đến đáng thương với những tin quân ta thua trận. Hằng ngày ông vẫn tâm niệm về sự vững tâm, vững ý chí của anh em làng chợ Dầu. Lòng ông lúc nào cũng sốt sắng, tinh thần luôn hướng về ngôi làng chợ Dầu, hướng tới anh em đồng chí đồng đội của mình.
Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai
Tuy nhiên, số phận trêu ngươi, cuộc đời còn thử thách ông Hai. Đang yên đang lành thì ông nghe được tin làng mình theo Tây, đầu hàng theo giặc. Khỏi phải nói cái tin ấy khiến ông sốc như thế nào, mới đầu ông không tin, nhất định không chịu tin vì làng chợ Dầu của ông vốn nổi tiếng là ngôi làng có tinh thần kháng chiến mạnh mẽ vô cùng nhưng sau rồi những lời bàn tán vào ra khiến ông không thể không chột dạ.
Đau đớn, buồn tủi vô cùng, tưởng chừng chẳng còn thiết tha điều gì nữa, ông tự nhốt mình trong nhà, ông cảm thấy tủi hổ vô cùng, ông thấy sợ những ánh mắt dèm pha của hàng xóm láng giềng, cứ thấy đám đông nào đó túm năm tụm ba là ông cũng thấy chột dạ, ông sợ họ đang nói chuyện về làng mình. Nước mắt cay, ông không ngờ rằng có một ngày ngôi làng mà ông thiết tha bao tự hào ấy lại đầu hàng giặc, đi ngược lại tinh thần của nhân dân, của đất nước. Ông đã suy nghĩ rất nhiều, ông yêu làng mình vô cùng, nhưng tình yêu ấy cũng thấm nhuần cùng tình yêu quê hương, đất nước. Ngôi làng của ông đã phản bội lại đất nước, ông muốn yêu thương nhưng sẽ không được trọn vẹn. Cái lẽ sống chung vì dân tộc, vì Tổ quốc mới là điều mà ông tin cẩn nhất.
Cuộc đối thoại của ông Hai với thằng con trai út ngắn gọn nhưng lại thấm thía đầy đủ tấm lòng và chính kiến của ông Hai dành cho cuộc đời: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù" mặc dù khi nói ra câu này lòng ông không khác gì bị xé ruột xé gan. "Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh" vì lý tưởng chung của cách mạng.
Khi tin làng ông theo Tây được đính chính là sai sự thật, ông Hai lại vui mừng khôn xiết, tâm hồn ông lại phơi phới trở lại những niềm vui, những niềm tin, những ước mong về một ngày được trở về làng, được cùng anh em đồng đội kề vai sát cánh giữ làng, giữ nước.
Nhân vật ông Hai mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc vô cùng về một thời của cuộc sống nhân dân ta phải chịu đựng trong những năm tháng chiến tranh. Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần, ý chí và những hành động của họ thiết thực vô cùng.
Minh Minh