Soạn Bài Muốn Làm Thằng Cuội Lớp 8 Của Tản Đà

Đề bài: Soạn Bài Muốn Làm Thằng Cuội Lớp 8 Của Tản Đà

Bài làm

1. Hai câu thơ đầu

“Đên thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Đây là lời tâm sự của tác giả với chị Hằng trong một đêm thu, nó được khởi lên như một tiếng than, một nỗi lòng, một tâm trạng, nói như nhà thơ Xuân Diệu, đó là “tiếng của trái tim, tiếng của linh hồn”, là “cái gì quý báu nhất của một thi sĩ”.

Tiếng than đó chất chứa một nỗi sầu da diết khôn nguôi, tác giả diễn tả qua hai tiếng giản dị mà hàm súc: “buồn lắm”. Đó cũng là nỗi buồn bàng bạc, trong hầu khắp các bài thơ của Tản Đà mà có lúc thi sĩ đã dẫn giải thật cụ thể trong một bài văn xuôi ngắn Giải sầu: “Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có sầu, đêm cũng có sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát cũng là sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu…”.

Cái sầu của bài thơ này là cộng hưởng nỗi buồn đêm thu với nỗi chán đời. Nỗi buồn đêm thu đã là cái thường tình thi sĩ, còn nỗi chán đời có duyên cớ: có nỗi ưu thời mẫn thế trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc, có nỗi đau nhân sinh trước những cảnh đời “gió gió mưa mưa”, có nỗi cô đơn, thất vọng, bế tắc của thân thế cá nhân mình trước một cái xã hội ngột ngạt, tầm thường, đầy bất công; nhân dân bị áp bức không lối thoát. Bởi thế Tản Đà cảm thấy bất hòa sâu sắc với xã hội và muốn thoát li khỏi cuộc đời đáng chán nản.

Xem thêm:  Đề số 19: Em hãy bình luận ý nghĩa của câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

2.

Ngông là làm những việc trái với lẽ thường, khác với mọi người xung quanh mình. Trong văn học, ngông là biếu hiện cùa ngòi bút có cá tính mạnh mẽ, bất hòa sâu sắc với xã hội đương thời, không chịu gò ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi lề thói thông thường, chẳng hạn Nguyễn Công Trứ lấy mo cau che đít bò đủng đỉnh cưỡi lên chùa trong Bài ca ngất ngưởng hay Trần Tế Xương trong bài Bần nhi lạc đã ngợi ca lối sống của chú Mán: “Không đội nói chịu màu da dãi nắng. Chẳng nhuộm răng, dể trắng dễ cười đời”.

Tản Đà ngông khi chọn cách xưng hô thân mật, thậm chí hơi suồng sã với chị Hằng (gọi chị và xưng em), khi dám lên tận trời cao, tự nhận mình là tri kỉ, xem chị Hằng như một người bạn tâm tình để giãi bày mọi nỗi niềm sâu kín.

Tản Đà cũng rất ngông trong ước nguyện “muốn làm thằng Cuội”. Thật là mơ mộng và thật là tình tứ khi tác giả muốn lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng, thoát li hẳn khỏi “cõi trần nhem nhuốc” mà ông đang rất chán ghét.

Chính Tản Đà đã tự nhận mình vốn xưa là một vị tiên trên đời, bị đày xuống hạ giới vì tội “ngông”, đã từng viết bài thơ “Dạm bán áo đoạn” để mà “mua giấy viết ngông”.

Xem thêm:  Soạn bài Đồng chí lớp 9

3.

“Tựa nhau trông xuống thế gian cười”

Đêm trung thu trăng sáng đẹp, người người đều ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng trăng thì nhà thơ lại đang ngồi trên cung trăng, tựa vai chị Hằng để cùng ngắm thế gian và… cười. Cái cười ở đây có thể có hai ý nghĩa, vừa thỏa mãn vì đã đạt được khát vọng thoát li mãnh liệt, đã xa lánh hẳn được cõi trần bụi bặm, vừa thể hiện sự mỉa mai, khinh bỉ cái cõi trần gian giờ đây chỉ còn là “bé tí” khi mình đã bay bổng được lên trên nó.

4. Nghệ thuật độc đáo của bài thơ:

  • Nguồn cảm xúc mãnh liệt, dồi dào, vừa phóng túng vừa bay bổng, lại vừa sâu lắng, thiết tha, được biểu hiện một cách tự nhiên, thoải mái, nhuần nhị như giọng tâm tình thân mật với người bạn tri âm, tri kỉ.
  • Lời lẽ giản dị, trong sáng, không gọt đẽo cầu kì mà vẫn mượt mà, ý nhị, giàu sức biểu cảm, lại rất đa dạng trong lối biểu hiện.
  • Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo.
  • Thể thơ Đường luật vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc về vần, luật nhưng hoàn toàn không gò bò, công thức