Soạn bài lớp 6: Bánh chưng, bánh giầy

Soạn bài lớp 6: Bánh chưng, bánh giầy

Hướng dẫn

Soạn bài: Bánh chưng, bánh giầy

Soạn bài môn Ngữ văn lớp 6 học kì 1: Bánh chưng, bánh giầy được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo. Bài soạn văn 6 này sẽ giúp các em hiểu rõ về sự tích bánh chưng, bánh giày của dân tộc ta giúp học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Soạn bài lớp 6: BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY

(Truyền thuyết)

I. VỀ THỂ LOẠI

(Xem trong bài Con Rồng cháu Tiên).

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. “Tổ tiên ta từ khi dựng nước, đã truyền được sáu đời” – lời nói của Vua Hùng xác định thời gian xảy ra câu chuyện. Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh đất nước thanh bình và nhà vua đã già. Ý định của vua trong việc chọn người nối ngôi tức phải nối được chí của vua, không nhất thiết là con trưởng. Chính vì thế, nhà vua dùng hình thức thử tài để chọn (nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý vua sẽ được truyền ngôi).

2. Trong số các người con của vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ, vì: Mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng là người thiệt thòi nhất. Mặt khác, tuy là con vua, nhưng “từ khi lớn lên, ra ở riêng” chàng “chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai” – sống cuộc sống như dân thường. Đồng thời, chàng là người hiểu được ý thần: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”; đồng thời chàng có trí sáng tạo để thực hiện được ý đó: lấy gạo làm bánh để lễ Tiên vương.

3. Hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua vì: hai thứ bánh đó thể hiện công sức lao động chăm chỉ, cần cù và thể hiện sự quý trọng nghề nông, quý trọng sản phẩm do con người làm ra; hai thứ bánh đó thể hiện ý tưởng sáng tạo sâu xa: bánh tròn tượng hình Trời, bánh vuông tượng hình Đất, với cách thức gói “các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài” và “lá bọc ngoài, mĩ vị để trong” thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên trong lối sống và trong nhận thức truyền thống của người Việt Nam; đồng thời thể hiện truyền thống đoàn kết, gắn bó và tinh thần đùm bọc nhau giữa những người dân đất Việt vốn là anh em sinh từ một bọc trứng Lạc Long – Âu Cơ.

Xem thêm:  Soạn bài Truyện Kiều lớp 10

Việc vua Hùng chọn Lang Liêu nối ngôi chứng tỏ vua trọng người vừa có tài có đức vừa có lòng hiếu thảo; đồng thời qua đó cũng đề cao lao động và phẩm chất sáng tạo trong lao động của nhân dân.

4. Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy có nhiều ý nghĩa, trong đó nổi bật nhất là: thông qua việc giải thích nguồn gốc sự vật (bánh chưng, bánh giầy – hai thứ bánh tiêu biểu cho truyền thống văn hoá ẩm thực của người Việt Nam trong dịp tết cổ truyền Việt Nam), truyện đề cao trí thông minh và lòng hiếu thảo của người lao động, đề cao nghề nông. Qua cách vua Hùng lựa chọn người nối ngôi là Lang Liêu, truyện còn đề cao ý thức tôn kính tổ tiên, xây dựng phong tục tập quán trên cơ sở coi trọng những giá trị sáng tạo thiêng liêng của nhân dân, ca ngợi truyền thống đạo lí cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tóm tắt:

Vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm trong số hai mươi người con trai một người thật tài đức để nối ngôi nên đã ra điều kiện: không nhất thiết là con trưởng, ai làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi.

Các lang đua nhau sắm lễ thật hậu, thật ngon. Lang Liêu, người con trai thứ mười tám, rất buồn vì nhà nghèo, chỉ quen với việc trồng khoai trồng lúa, không biết lấy đâu ra của ngon vật lạ làm lễ như những lang khác. Sau một đêm nằm mộng, được một vị thần mách nước, chàng bèn lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm thành hai thứ bánh loại hình tròn, loại hình vuông dâng lên vua. Vua thấy bánh ngon, lại thể hiện được ý nghĩa sâu sắc nên lấy hai thứ bánh ấy tế Trời, Đất và lễ Tiên vương, đặt tên bánh hình tròn là bánh giầy, bánh hình vuông là bánh chưng và truyền ngôi cho Lang Liêu.

Xem thêm:  Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị

Từ đó, việc gói bánh chưng và bánh giầy cúng lễ tổ tiên trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam.

2. Lời kể:

Khi kể cần chú ý thể hiện bằng nhiều giọng điệu khác nhau cho phù hợp với các nhân vật trong truyện. Cụ thể:

  • Đoạn từ đầu đến “và nói” thể hiện lời người dẫn chuyện chậm rãi.
  • Câu nói “Tổ tiên ta (…) có Tiên vương chứng giám” thể hiện lời của nhà vua tuyên bố ý định truyền ngôi và cách thử tài, cần trình bày bằng giọng trầm tĩnh, uy nghiêm.
  • Đoạn tiếp theo “Người buồn nhất (…) khoai lúa tầm thường quá!” thể hiện sự băn khoăn, trăn trở của Lang Liêu khi nghe lời tuyên bố của vua cha và nghĩ đến cảnh ngộ của mình.
  • Lời của vị thần linh “Trong trời đất (…) mà lễ Tiên vương” trình bày bằng giọng trầm lắng, thiêng liêng.
  • Tiếp theo, “Tỉnh dậy (…) khen ngon” vẫn là lời người dẫn chuyện nhưng điểm nút của câu chuyện đã được mở ra, cần trình bày bằng giọng vui vẻ, trong sáng.
  • Đoạn cuối (“Từ đấy (…) hương vị ngày Tết”) cũng là lời dẫn chuyện nhưng là sau khi câu chuyện thử tài đã kết thúc, Lang Liêu lên làm vua nên thể hiện bằng giọng trong sáng, tự hào.

3. Ngày nay, vào dịp Tết, nhân dân ta vẫn còn lưu giữ thói quen làm bánh chưng, bánh giầy (như là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, cũng như là một phẩm vật không thể thiếu để cúng lễ tổ tiên). Phong tục ấy vừa thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá ẩm thực của người Việt ta, vừa thể hiện ý thức tôn kính tổ tiên, tôn kính những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Phong tục ấy cũng đồng thời là lời nhắn nhủ với con cháu đời nay về việc gìn giữ và phát huy những truyền thống đạo lí tốt đẹp của ông cha ta ngày trước.

Xem thêm:  Kể về một kỉ niệm thời ấu thơ làm em nhớ mãi

4*. Truyện có nhiều chi tiết hay và hấp dẫn. Một trong những chi tiết ấy là chuyện Lang Liêu làm bánh. Chi tiết này hấp dẫn người đọc bởi cùng với sự cần cù hiếu thảo, Lang Liêu đã chứng tỏ mình là người xứng đáng được truyền ngôi. Chàng hoàng tử thứ mười tám của vua Hùng đã làm ra một thứ bánh vừa ngon lại vừa sáng tạo bằng sự thông minh và tài trí của mình. Và vì thế, chàng không những làm cho vua cha cảm thấy hài lòng mà các lang khác cũng tỏ ra mến phục.

Dưới đây là bài soạn Bánh chưng bánh giầy bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 6: Bánh chưng bánh giầy

Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 2 lớp 6 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 6 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Theo Soanbaihay.com