Phân tích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” lớp 10

Chinh phụ ngâm được sáng tác vào đầu những năm 40 của thế kỉ XVIII khi có chiến tranh, chính sự liên miên, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy. Tác phẩm cũng thu hút được nhiều người dịch. Tâm tình người chinh phụ tiêu biểu cho nỗi nhớ mong chồng, khát khao cuộc sống gia đình bình dị và ước mong về một ngày đoàn tụ vợ chồng. Đặt trong tương quan chung, ước mơ của người chinh phụ cũng hiền hoà, dung dị, gần gũi hơn so với người cung nữ. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho thấy rõ tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận và nghệ thuật miêu tả tâm trạng bậc thầy của hai tác giả Đặng – Đoàn, trong đó phải kể đến nghệ thuật diễn Nôm đặc biệt xuất sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Từ tâm trạng đau buồn của người chinh phụ phải sống trong tình cảnh lẻ loi, đoạn trích thể hiện tinh thần phảng phất chiến tranh phi nghĩa. Dưới đây là bài viết mẫu hay nhất phân tích tâm trạng mà các bạn có thể tham khảo.

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH “ TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ” LỚP 10

Trong văn học trung đại, để lên án sự suy tàn của xã hội phong kiến, đồng thời ngợi ca khát khao hạnh phúc của con người, nhiều thi nhân gửi tâm sự, nỗi bất bình của mình vào các bài thơ, khúc ngâm. Đặng Trần Côn cảm thông sâu sắc trước số phận những người phụ nữ có chồng đi lính mà làm nên tuyệt tác “Chinh phụ ngâm”. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” thuộc tác phẩm trên đã chạm đến trái tim người đọc khi tái hiện hoàn cảnh cô độc.

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã khắc họa bức chân dung tâm trạng của người chinh phụ trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi, ngày qua ngày mong ngóng tin chồng:

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?”

Trước hết đó là sự ý thức về con người cá nhân chiếu ứng trong các quan hệ với cảnh vật và con người, đặt trong tương quan với thời gian và không gian. Nhân vật chủ thể trữ tình – người chinh phụ xuất hiện như có như không, vừa tỉnh thức trong từng bước đi, từng động tác buông thả tấm rèm nhưng liền đó lại quên tất thảy, thờ ơ với tất thảy. Nhìn bề ngoài đó là cuộc sống an nhàn thảnh thơi nhưng thực tế người thiếu phụ đang phải sống trong cảnh sống tội nghiệp đáng thương chồng đi biền biệt tuổi xuân phai tàn. Nàng đợi tin lành của chim thước sẽ xoa dịu nỗi bất an, nhưng chim thước không tới. Nàng lại trỏ bóng đèn, hỏi đèn mà hỏi lòng. Nàng nhận ra rằng càng hi vọng, mòn mỏi trông chờ nàng càng hụt hẫng, tuyệt vọng. Khát khao sum vầy đoàn tụ, khát khao hơi ấm gia đình khó có thể thực hiện được. Ba lần từ “chẳng” xuất hiện là 3 lần nhân vật trữ tình rơi vào sự thất vọng, tuyệt vọng, vô vọng của nỗi buồn đau, cô lẻ.

Người chinh phụ đành trở về thấm thía nỗi vô vọng của mình. Thì hình ảnh ẩn dụ ngọn đèn của người chinh phụ soi bóng trong đêm lại là sự hiện diện của lẻ loi, đơn chiếc, trống trải. Ngay đến cảnh vật và sự sống bên ngoài cũng nhuốm vẻ tang thương, vô cảm, chập chờn bất định, không dễ nắm bắt với những “gà eo óc gáy sương”, “hoè phất phơ rủ bóng”… Bên cạnh đó, dòng thời gian tâm lý cũng chuyển hoá thành sự đợi chờ mòn mỏi, thời gian đầy ắp tâm trạng đơn côi nhưng không có sự sống, không sự kiện, không thấy đâu bóng dáng hoạt động của con người:

Khắc chờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Một ngày không còn được đo bằng vài canh, mấy khắc, mà được tính đếm bằng cả năm dài “đằng đẵng”. Từ láy “đằng đẵng” kéo dài thời gian, kéo dài nỗi buồn và tình cảnh lẻ loi của người phụ nữ có chồng ra trận. So sánh với bản chữ hán của Đặng Trần Côn “Sầu tự hải/ Khắc như niên”, ta thấy Đoàn Thị Điểm không chỉ trung thành với nguyên tác mà còn có những sáng tạo riêng trong quá trình dịch, giúp người đọc dễ hiểu, dễ đồng cảm hơn với nhân vật trữ tình. Những gắng gượng để vượt thoát khỏi sự cô đơn cũng đi vào tuyệt vọng. Trong cái cô đơn ấy người chinh phụ đã đốt hương để xua đi cái giá băng, gượng soi gương để tìm kiếm hình ảnh nhưng dường như những mong muốn đều không được đền đáp.

Sau trạng thái bế tắc đến cao độ âm điệu của những câu thơ trở nên nhẹ nhõm hơn, câu thơ tươi sáng hơn:

“Lòng này gửi gió đông có tiện,

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”

Lòng này hay nghìn vàng là để nói tấm lòng tha thiết trân trọng đáng giá nghìn vàng. Điệp từ “gửi” bộc lộ sự tha thiết, khát vọng mãnh liệt của người chinh phụ những mong được sẻ chia cùng chồng. Nỗi lòng của ngườ chinh phụ gửi đến Non Yên là một địa danh, có tên cụ thể nhưng không ai biết nó ở đâu, cách đây bao xa. Phải chăng đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho sự xa xôi cách trở giữa hai con người, cho sự vô vọng của người chinh phụ, cho sự vô vọng của một tình cảm thủy chung, trọn vẹn được gửi đi mà chẳng thể nhận được hồi đáp. Trong ngổn ngang thắc mắc, nàng lại trở về với bế tắc. Tính từ “đau đáu” gợi nỗi đau nhức nhối, âm ỉ, nỗi nhớ triền miên khôn nguôi của người chinh phụ, gợi lên cả nỗi lo liệu người chồng đang ở biên ải có được bình an, sớm về đoàn tụ. Cảnh vật “cành cây”, “sương”, “mưa” đều thấm đượm nỗi bi ai, sầu khổ, khiến người phụ nữ nhỏ bé càng thêm cô độc, thiểu não.

Xem thêm:  Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền lớp 11 hay đầy đủ nhất

Nhưng chính sức mạnh ghê gớm nội tại tâm hồn khiến người chinh phụ lại một lần nữa vươn dậy, vươn tới không gian thoáng đạt ngoài kia để tìm cách giải thoát cho tâm hồn mình. Thủ pháp sóng đôi hoa- nguyệt, hoa- nguyệt lặp lại trong câu thơ khi dãi ra, khi lồng vào nhau gợi ngoại cảnh tình tứ. Phải chăng đó là hệ quả của những cảm nhận bị kích động khắc khoải về những ngày tháng ái ân chồng vợ. Thiên nhiên có đẹp biết nhường nào thì chinh phụ lại không tránh khỏi xót đau, khỏa lấp được tâm tư.

Đoạn trích “ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” với nghệ thuật khắc họa nội tâm độc đáo, cách sử dụng các từ ngữ, những từ láy, từ ngữ biểu cảm, tác giả đã cho người đọc nhận ra rằng chiến tranh không phải mặt trận để con người lập thân, lập nghiệp, chiến tranh đã tàn phá tâm hồn con người.

Nguồn Internet