Phân tích những biểu hiện của tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Hướng dẫn
Sóng là ẩn dụ đặc sắc của những trạng thái tình cảm của người phụ nữ trong tình yêu. Thông qua hình tượng của sóng, anh chị hãy phân tích những biểu hiện của tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích những biểu hiện tình yêu trong Sóng
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: Sóng là bài thơ tình đặc biệt của nữ sĩ Xuân Quỳnh, bằng sự tinh tế trong cảm nhận và biểu đạt, Xuân Quỳnh đã mang đến cho bài thơ bao cảm xúc, trạng thái phức tạp mà thống nhất trong tâm hồn người con gái khi yêu, cùng với đó là những biểu hiện cụ thể của tình yêu.
2. Thân bài
– Trong bài thơ “Sóng”, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã xây dựng được hình ảnh ẩn dụ đầy đặc sắc về những trạng thái, cảm xúc của người con gái trong tình yêu.
– Từng biểu hiện của sóng ngoài đại dương tạo nên sự hô ứng thú vị với những cung bậc cảm xúc phức tạp, những khát khao cháy bỏng của tâm hồn người con gái trong tình yêu.
+ Tình yêu là thứ tình cảm đặc biệt có thể gắn kết giữa con người với con người, đó cũng là thứ tình cảm gắn với những trạng thái cảm xúc phức tạp mang tính đối lập nhưng lại thống nhất trong tâm hồn của những người đang yêu.
--> Sóng vừa là hình ảnh ẩn dụ, một hóa thân tuyệt vời cho cái tôi trữ tình.
+ Nếu con sóng là hiện tượng vĩnh hằng tồn tại giữa đại dương từ muôn đời thì tình yêu cũng là những khát khao chân thành, mãnh liệt trong trái tim của những người trẻ tuổi, trẻ lòng, bất biến qua bao thế hệ
--> Khát vọng tình yêu là khát vọng muôn đời trong trái tim tuổi trẻ, dường như tuổi trẻ sinh ra là để yêu, để sống hết mình cho tình yêu.
+ những người đang yêu đều có chung một băn khoăn, trăn trở: từ đâu tình yêu bắt đầu? khi nào ta yêu nhau?
--> Không ai có thể lí giải về nguồn gốc của sóng, cũng như không một chủ thể trữ tình nào có thể trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc của tình yêu.
+ Tình yêu còn gắn liền với nối nhớ nhung, khắc khoải đêm ngày giống con sóng ngày đêm vỗ vào phía bờ
+ Khi yêu, người con gái sẽ toàn tâm toàn ý hướng về một phía, đó là phương hướng của tình yêu – phía anh
3. Kết bài
Sóng là những biểu hiện cụ thể, sinh động của tình yêu người con gái, bài thơ gợi ra bao cảm xúc say đắm, nồng nhiệt, lại có những lắng sâu da diết trong tâm hồn của những độc giả, những con người đang yêu.
Bài liên quan đến bài thơ Sóng:
>>Bình giảng khổ thơ cuối của bài thơ Sóng để thấy được tâm hồn nữ tính đầy trăn trở, khát khao yêu thương
>>Phân tích nét đẹp hiện đại và truyền thống được thể hiện qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
>>Phân tích khát vọng tình yêu bồi hồi trong ngực trẻ thông qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
>>Phân tích hình tượng sóng trong bài Thơ Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu
>>Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh
II. Bài tham khảo cho đề phân tích biểu hiện của sóng trong bài thơ Sóng
Sóng là bài thơ tình đặc biệt của nữ sĩ Xuân Quỳnh, qua bài thơ, nữ sĩ “đã thể hiện được một tình yêu có tính trền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”, bằng sự tinh tế trong cảm nhận và biểu đạt, Xuân Quỳnh đã mang đến cho bài thơ bao cảm xúc, trạng thái phức tạp mà thống nhất trong tâm hồn người con gái khi yêu, cùng với đó là những biểu hiện cụ thể của tình yêu.
Trong bài thơ “Sóng”, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã xây dựng được hình ảnh ẩn dụ đầy đặc sắc về những trạng thái, cảm xúc của người con gái trong tình yêu. Từng biểu hiện của sóng ngoài đại dương tạo nên sự hô ứng thú vị với những cung bậc cảm xúc phức tạp, những khát khao cháy bỏng của tâm hồn người con gái trong tình yêu.
Tình yêu là thứ tình cảm đặc biệt có thể gắn kết giữa con người với con người, đó cũng là thứ tình cảm gắn với những trạng thái cảm xúc phức tạp mang tính đối lập nhưng lại thống nhất trong tâm hồn của những người đang yêu.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Sóng vừa là hình ảnh ẩn dụ, một hóa thân tuyệt vời cho cái tôi trữ tình. Trong tình yêu của người con gái sẽ tồn tại rất nhiều những trạng thái đối lập, khi lặng lẽ dịu êm, khi sôi nổi, ồn ào, đó là những cung bậc muôn đời của tình yêu, tuy đối lập nhưng lại hài hòa thống nhất cùng tồn tại trong tâm hồn của người phụ nữ như một quy luật tất yếu của tình cảm.
Nếu con sóng là hiện tượng vĩnh hằng tồn tại giữa đại dương từ muôn đời thì tình yêu cũng là những khát khao chân thành, mãnh liệt trong trái tim của những người trẻ tuổi, trẻ lòng, bất biến qua bao thế hệ:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
“Ngày xưa”, “ngày sau” là thời gian của quá khứ và tương lai, sử dụng những cụm từ chỉ thời gian thi sĩ đã nhấn mạnh về sự bất biến, không thay đổi của tình yêu cũng như chính quy luật tồn tại bất biến của sóng ngoài biển khơi. Khát vọng tình yêu là khát vọng muôn đời trong trái tim tuổi trẻ, dường như tuổi trẻ sinh ra là để yêu, để sống hết mình cho tình yêu, đúng như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng viết “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”.
Tình yêu là tình cảm lớn, thứ tình cảm thiêng liêng xuất phát từ rung động của những con tim, phát triển theo quy luật của tình cảm nên khó có thể dùng lí trí để lí giải rõ ràng. Bởi vậy mà những người đang yêu đều có chung một băn khoăn, trăn trở: từ đâu tình yêu bắt đầu? khi nào ta yêu nhau?
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Không ai có thể lí giải về nguồn gốc của sóng, cũng như không một chủ thể trữ tình nào có thể trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc của tình yêu. Đối với Xuân Quỳnh cũng vậy, dường như nữ sĩ bất lực trong việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà thừa nhận đầy duyên dáng “Em cũng không biết nữa”. Không thể định nghĩa mà cũng không ai có thể định nghĩa rõ ràng về tình yêu, bởi mọi định nghĩa sẽ trở nên gượng ép.
Hiểu như thế mới thấy được sự đáng quý trong tâm hồn của người con gái khi yêu, người con gái ấy không hề toan tính mà yêu đầy chân thành, tự nhiên, sống thật với những cảm xúc của con tim. Tình yêu còn gắn liền với nối nhớ nhung, khắc khoải đêm ngày giống con sóng ngày đêm vỗ vào phía bờ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Từ xưa tới nay, tình yêu luôn gắn liền với nối nhớ, trạng thái nhớ nhung da diết là biểu hiện của một trái tim đang yêu. Viết về nỗi nhớ trong tình yêu, Tố Hữu đã có so sánh đầy ấn tượng “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Trong bài thơ “sóng”, nỗi nhớ tồn tại thường trực trong tâm hồn người con gái trong mọi không gian, thời gian, trong cả thế giới ý thức và cả trong vô thức khi đã chìm vào giấc ngủ.
Khi yêu, người con gái sẽ toàn tâm toàn ý hướng về một phía, đó là phương hướng của tình yêu – phía anh “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Bất kì ai khi yêu cũng muốn đi đến bến bờ cuối cùng của hạnh phúc. “Em” tronng Sóng cũng vậy, để dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, em không lựa chọn sống vội, sống gấp như Xuân Diệu mà đã có lựa chọn đầy nữ tính, muốn được tan ra để hòa nhập trọn vẹn, làm cho tình yêu ấy trở nên bất tử.
Sóng là những biểu hiện cụ thể, sinh động của tình yêu người con gái, bài thơ gợi ra bao cảm xúc say đắm, nồng nhiệt, lại có những lắng sâu da diết trong tâm hồn của những độc giả, những con người đang yêu.
Theo Tacgiatacpham.com
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Nghị luận xã hội về tình mẫu tử trong cuộc đời mỗi người
Đề bài: Nghị luận xã hội về tình mẫu tử trong cuộc đời mỗi người Bài [...]
Th12
Nghị luận xã hội về vấn đề an toàn giao thông
Đề bài: Nghị luận xã hội về vấn đề an toàn giao thông Bài làm [...]
Th12
Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến
Đề bài: Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến Bài làm Là [...]
Th12
Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành Bài làm Rừng xà [...]
Th12
Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt ( Vợ nhặt – Kim Lân) và người đàn bà hàng chài ( Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt ( Vợ nhặt [...]
Th12
Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa Bài làm Đối với một tác [...]
Th12