Phân tích hình tượng con sông Đà Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân

Phân tích hình tượng con sông Đà Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân

Hướng dẫn

Phân tích hình tượng con sông Đà – Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân

  • Mở bài:

Nguyễn Tuân là nhà văn đi nhiều, thích khám phá, say mê những vùng đất mới. Chính vì vậy mà thiên nhiên Tây Bắc nói chung và con sông Đà nói riêng đã có một sức hấp dẫn, cuốn hút Nguyễn Tuân đến vậy. Nguyễn Tuân cũng lại là người thích cảm giác mạnh, và chán ghét những gì bình thường, tẻ nhạt, đơn điệu. Chính vì thế, hình tượng con sông Đà với hai nét tính cách trái ngược nhau: vừa thơ mộng trữ tình lại vừa dữ dội hiểm trở đã trở thành đối tượng mà ông hướng tới.

  • Thân bài:

Miêu tả thiên nhiên Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã đưa lại cho người đọc những trang viết thật hấp dẫn. Cảnh Tây Bắc đẹp tuyệt vời với núi sông diễm lệ, những thung lũng lúa chín vàng và biết bao thứ hoa đủ các màu sắc,… Nhưng nhà văn dành nhiều số trang và bút lực hơn cả để miêu tả con sông Đà – con sông như hội tụ tất cả những nét đặc trong tiêu biểu nhất của Tây Bắc.

Qua ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là dòng sông vô tri – vô giác mà đã hiện lên như một sinh thể sống có cá tính, có tính riêng biệt, độc đáo như một con người vậy.

Viết về sông Đà, Nguyễn Tuân đã chọn lại đề từ ngắn gọn, cảm xúc nhưng bao hàm cái thần thái nổi bật của Nguyễn Tuân

“Chung thủy giai đông tẩu

Đà giang dọc Bắc lưu”

(Nguyễn Quang Bích)

Mọi con sông đều chảy về Đông, riêng con sông Đà chảy về hướng Bắc. Qua hướng chảy độc đáo của sông Đà, Nguyễn Tuân như muốn đối lập con sông Đà với mọi con sông khác. Ở đây, cái độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn đã bắt gặp cái độc đáo và say mê con sông Đà. Xưa nay, nhà văn Nguyễn Tuân không ưa gì những nhạt nhèo, bằng phẳng, yên ổn mà thường say mê tính cách phi thường, những tính chất cảm giác mãnh liệt. Bởi vì vậy, cái hung bạo, cái khắc nghiệt của sông Đà thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của nhà văn.

* Tính cách hung bạo của sông Đà

Sông Đà có đến mấy chục con thác hiểm trở. Trong đó những thác “độc dữ và nham hiểm” đã gây nên biết bao tai họa cho con người. Sự nguy hiểm của con sông Đà còn được thể hiện ở những hút nước, xoáy nước giữa lòng sông, như lúc nào cũng sẵn sàng “đòi nợ xuýt” những người lái đò đi ngang qua đấy. Trên sông Đà cũng có những tảng đá phục sẵn như vậy. Trùng vây thạch trận bày trận đồ bát quái để ngăn chặn những người lái đò. Chỉ cần một phút giây lóa mắt hay lỡ tay đều phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình.

Sông Đà qua ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân có lúc hiện lên như một con ngựa bất kham, có lúc giống như một loài thủy quái khổng lồ, hung ác nham hiểm và độc địa.

Thể hiện tính chất hung bạo của sông Đà, Nguyễn Tuân đã liệt kê ra hàng loạt con thác từ thượng nguồn đến hạ lưu. Trong đó có những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”. Cái nhìn của Nguyễn Tuân còn bao quát được cả phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên đồi núi ven sông. Đó là cảnh “đá bờ sông dựng thành vách”. Mặt sông lúc ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có chỗ vách đá thành chẹt lấy lòng sông Đà như một yết hầu. Chỉ qua một hình ảnh so sánh, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung ra vách đá dựng đứng hùng vĩ suốt dòng sông Đà.

Nhà văn Nguyễn Tuân cũng chú ý đến cái sôi sục dữ dội, đầy những đe dọa bất trắc khôn lường của sông Đà – nơi có những ngọn sông “hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn, luồn gió gầm ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào phóng được qua đây”. Có đoạn “có những hút nước giống như cái giếng…. nước ặc ặc lên như vừa rớt dầu sôi vào”.Không thuyền nào dám men gần cái hút nước ấy.

Nhà văn còn hình dung ra cảnh anh bạn quay phim táo tợn mang cái máy quay ngồi vào cái thuyền thúng trên vành theo hút nước xoáy xuống tận đáy sông rồi quay ngược lên để truyền cho người đọc cái cảm giác mới mẻ, lạ lẫm, chân thực. Qua đây, chúng ta thấy Nguyễn Tuân muốn khám phá cái hiểm trở dữ dội của sông Đà từ góc độ kể từ việc sử dụng những kĩ thuật mới mẻ của hội họa, điện ảnh,…

Xem thêm:  Soạn bài lớp 7: Từ láy

Khi miêu tả tính cách hung bạo của sông Đà, Nguyễn Tuân đẩy lên tận cùng với cảnh những thác nước hiểm trở, cảnh những hút nước, xoáy nước giữa lòng sông,… Không những thế, ông còn vận dụng nhiều giác quan, không chỉ là thị giác, mà còn cả thính giác, xúc giác rồi cả những đặc trưng của nhiều ngành nghệ thuật khác, đưa lại cho người đọc những cảm xúc bất ngờ, thú vị,…

Sau khi đưa ống kính bao quát toàn cảnh sông Đà từ ngược tới xuôi, nhà văn mới tập trung ống kính đặc tả một con thác cụ thể, tiêu biểu. Qua con thác ấy có thể tái hiện được vẻ dữ dằn, hung bạo của hàng trăm con thác sông Đà. Con thác này được miêu tả từ xa tới gần, từ âm thanh tới hình ảnh. Đó chỉ có thể là cái nhìn của một người lái đò trên sông đang ngày một tiến gần hơn tới con thác dữ. Chính bằng cảm nhận của một người đi thuyền trên sông đang từng giờ, từng phút đối mặt với cái chết mà vẻ dữ dội, hung bạo của sông Đà được hiện lên nổi bật hơn, thấm thía hơn và cũng dữ dội hơn.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà thật dữ dằn, đáng sợ. Cái đáng sợ của con sông Đà không phải chỉ ở những con thác hiểm trở hung dữ mà còn ở cái quang cảnh hùng vĩ, huyền bí và hoang sơ của dòng sông, chảy giữa điệp trùng núi rừng Tây Bắc. Từ xa, âm thanh của tiếng thác dữ của đá “réo gầm mãi lại, réo to mãi lên”, lúc thì như “van xin khiêu khích”, thế rồi nó “rống lên như 1000 con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa đang nổ lửa”.

Hình ảnh so sánh độc đáo này đã làm cho âm thanh của thác dữ vừa ghê gớm vừa có phần cũng quẫn tuyệt vọng. Thiên nhiên đã phô bày tất cả sức mạnh của mình ra để đe dọa con người. Khi con thuyền đến gần hơn, thác dữ hiện lên với những hình ảnh thị giác “sóng bọt trắng xóa cả một chân trời đá”. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn “mai phục… để vồ lấy thuyền”. Từ mặt nước đến sóng, đá đều mang tâm tính của con người, đều biết hành động, tính toán một cách chủ động theo những suy nghĩ, những mưu mô nham hiểm.

Nguyễn Tuân nhìn nhận từ nhiều góc độ: về lịch sử, địa lý, địa chất,…. Điều này thể hiện vốn tri thức phong phú và uyên bác của nhà văn. Con sông cũng được nhà văn miêu tả lúc thì bao quát, lúc thì cận cảnh, lúc thì bay trên cao nhìn xuống. Lúc lại với cái nhìn của người đi thuyền đang phải đối mặt với cái chết. Nguyễn Tuân còn cảm nhận sông Đà bằng cái nhìn quân sự. Có bao nhiêu tri thức ngôn ngữ về chiến trận, nhà văn đều khoe cả ra để chạy đua cùng cái phong phú, đa dạng của thạch trận mà tạo hóa đã bày sẵn. Con thác dữ này hiện lên với bọn “đá tướng, đá quân” hung bạo, đông đảo đối lập với con thuyền nhỏ bé.

Tác giả còn nhận thấy cả những pháo đài, hàng tiền vệ, hậu vệ, cửa tử, cửa sinh, những vòng vây trùng điệp mà sông Đà giăng ra. Dòng sông cũng chủ động tấn công con thuyền và người lái đò: “mặt nước hò la vang dậy”, “bẻ gãy cán chèo võ khí”, “thúc gối vào bụng, vào hông thuyền”, “đội cả thuyền lên” và còn đánh tơi miếng đòn hiểm độc nhất.

Sông Đà quả thật hiện lên trong chân dung kẻ thù số một của con người. Nguyễn Tuân cũng dùng nhiều hình ảnh so sánh để diễn tả cái dữ dội, nham hiểm của sông Đà “cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng”. Có thể nói qua ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân, con sông Đà lúc thì giống như con ngựa bất kham. Lúc thì lại hiện lên như một loài thủy quái khủng lồ, hung ác, nham hiểm, độc địa mà con người khó lòng chinh phục.

Sông Đà không chỉ hung bạo, dữ dội trong hiện tại mà nó đã trở thành bản tính đặc trưng cho dòng sông từ suốt thuở xa xưa. Đó là con sông “hàng năm vào đời đời kiếp kiếp vẫn làm mình làm mẩy…. người lái đò sông Đà”. Sự dữ dội khắc nghiệt, hung bạo của sông Đà từng in đậm tính cách của mình trong truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh.

Cái nhìn của Nguyễn Tuân khiến sông Đà không chỉ hiện lên trong không gian địa lý mà còn cả ở trong chiều sâu của lịch sử lẫn truyền thuyết dân gian. Nhờ vậy mà bản chất của dòng sông trở nên cụ thể, chính xác hơn. Đặc biệt, để làm nỗi bật tính cách hung bạo của con sông Đà, nhà văn đã tạo ra một cuộc chiến đấu sinh tử giữa người lái đò với con thác hiểm trở. Đây là những trang viết hấp dẫn, đầy kịch tính và bộc lộ rõ nét nhất những đặc sắc nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

* Vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của sông Đà

Sông Đà qua cái nhìn của Nguyễn Tuân giống như mái tóc của một cô thiếu nữ kiều diễm mà “đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”. Với con mắt của một họa sĩ, Nguyễn Tuân đã miêu tả nước sông Đà thật chính xác với những gam màu thật táo bạo. Lúc thì có màu “xanh ngọc bích”. Lúc lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Cảnh sắc hai bên bờ sông Đà trông cũng thật đẹp, thật hấp dẫn. Có lúc “hoang dại như một bờ tiền sử”. Có lúc lại “hồn nhiên như một bờ cổ tích”. Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà được gợi lên từ nhịp điệu câu văn chậm rãi, từ những hình ảnh, liên tưởng gợi cảm tinh tế chất thơ. Đặc biệt là cái tình của Nguyễn Tuân ẩn chứa trong đó.

Nếu cái hung bạo của sông Đà được khám phá bằng con mắt của người đi thuyền trên sông thì vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng trữ tình của nó được cảm nhận trước hết bằng cách nhìn của một người từ trên máy bay nhìn xuống. Cái nhìn toàn cảnh từ trên cao khiến Nguyễn Tuân thấy sông Đà không chỉ giống như cái dây thừng ngoằn ngèo dưới chân mà còn mang một vẻ đẹp đôn hậu nữ tính. Người đọc không khỏi xúc động, ngỡ ngàng, say mê với những đoạn sông lặng lờ êm ả chảy giữa hai bờ với những cảnh sắc thật nên thơ như màu sắc đường đi. Có chỗ bờ sông lại mang vẻ hoang dại như một bờ tiền sử và hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích.

Vốn kiến thức phong phú, sự tưởng tượng bay bổng của nhà văn được thả sức tung hoành để tạo nên những câu văn duyên dáng, gợi cảm và hết sức mượt mà. Quan sát từ xa, nhà văn hình dung con sông Đà giống như mái tóc của một cô thiếu nữ kiều diễm: “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình; đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc. Bung nở hoa ban, hoa gạo tháng 2 và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt hương xuân”.

Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã nhận ra những sắc màu khác nhau của con sông Đà, nước sông biến đổi theo từng mùa trong năm. Mỗi mùa lại có vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng: “mùa xuân dòng sông có màu xanh ngọc bích, còn mỗi độ thu về thì nước sông lại từ từ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Màu xanh của sông Đà trong trẻo, lấp lánh ánh sáng khác màu xanh của các dòng sông khác. Dòng sông Đà có lẽ cũng là dòng sông duy nhất biết đỏ mặt mỗi độ thu về. Chính màu đỏ này cùng với màu đỏ của máu cán bộ trung kiên pha loãng, màu đỏ của nhiệt tình cống hiến cho chủ nghĩa xã hội ở Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã gọi sông Đà đỏ và cách gọi sông Đà đen của thực dân Pháp.

Có những lúc nét trữ tình thơ mộng của sông Đà được cảm nhận qua cái nhìn của một người đi rừng lâu ngày bỗng nhiên gặp lại dòng sông. Trong cái nhìn này, một ánh nắng loang loáng hắt lên một ánh nắng tháng ba Đường thi:

“Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu”

(Lý Bạch)

Câu văn của ông lúc thì hối hả gấp gáp để diễn tả niềm cảm xúc đang dâng trào. Lúc thì chậm rãi như tãi ra để diển tả cái vẻ đẹp vắng lặng rất mêm thơ của dòng sông: “cảnh vật ven sông ở đây lặng tờ hình như đời Lí, Trần, Lê quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”.

Nguyễn Tuân khám phá cái hung bạo, dữ dội của sông Đà qua những con thác độc dữ nơi thượng nguồn thì lại nhận ra vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của sông Đà qua một khúc sông phía hạ lưu vẫn là cái nhìn của một người đi thuyền trên sông.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu

Nhưng đoạn sông này không cò cảnh đá dựng vách thành mà chỉ còn một thiên nhiên trù phú non tơ đầy sức sống: “thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tĩnh ra không một bóng người, Cỏ gianh đồi núi đang ta những nõn búp,…”. Bao nhiêu tiếng thác dữ dằn đang lùi lại phía sau. Cảnh sông Đà trở nên êm đềm, tĩnh lặng tới mức nghe được cả tiếng cá dầm xanh quẫy trên mặt nước, khiến nhà văn cảm thấy “thèm” tiếng còi xe lửa.

Những cố gắng của con người cũng giúp sông Đà có thêm vẻ đẹp thơ mộng trữ tình. Hình ảnh những con thuyền đuôi én thắt hình dây cổ điển cùng với tiếng hát của những cô lái đò chở gạo qua sông. Tiếng hát từ trên bờ gửi xuống, từ dưới thuyền gửi lên hòa quyện ngân nga suốt dọc sông. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Tuân học tập nhà thơ Ba Lan khi cảm thán thốt lên: “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”

Nguyễn Tuân còn truy tìm được cả cội nguồn quê hương. Đó lá chiều dài biết được nơi sông Đà nhập quốc tịch Việt Nam. Nguyễn Tuân đã cảm nhận và thể hiện sông Đà như một sinh thể sống, có tên tuổi, cuộc đời, tính cách, quan hệ,… Nhà văn miêu tả sông Đà nhiều góc độ như địa lý, lịch sử, thơ ca, quân sự,… Ông còn sử dụng nhiều thành tựu của nhiều nhành nghệ thuật khác như: hội họa, điêu khắc, điện ảnh,… để xây dựng hình tượng sông Đà.

Nguyễn Tuân đã coi sông Đà như một vẻ đẹp tiêu biểu cho “chất vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc, đồng thời qua đó thể hiện suy ngẫm có tầm triết học về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

* Những đặc sắc nghệ thuật của Nguyễn Tuân khi miêu tả sông Đà

Nguyễn Tuân là một nhà văn uyên bác đọc nhiều, biết rộng. Qua việc miêu tả con sông Đà, ông đã đưa lại cho người đọc một vốn tri thức rất phong phú như một lịch sử, địa lí, địa chất,…

Nguyễn Tuân cũng sử dụng nhiều mặt mạnh của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để làm tăng thêm khả năng biểu hiện của văn chương. Chẳng hạn ông đã sử dụng những phương pháp quay cận cảnh trong điện ảnh để miêu tả con sông Đà; hay cách sử dụng gam màu trong hội họa,…

Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ sử dụng thị giác, thính giác mà còn vận dụng các giác quan khác nữa như xúc giác để tạo nên nhiều trang viết cảm nhận thật sự sâu sắc, tinh tế,…

Câu văn của Nguyễn Tuân cũng biến hóa rất linh hoạt. Có lúc nhà văn sử dụng câu văn ngắn với tiết tấu nhanh, đầy kịch tính nhưng cũng có khi câu văn được kéo dài ra mang đậm chất trầm tư, mơ mộng. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân cũng hết sức giàu có và phong phú, cách dùng từ của ông rất đắt, rất bạo: miêu tả cuộc quyết chiến của ông lái đò và sông Đà. Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều ngôn ngữ của võ thuật tạo nên những trang viết hấp dẫn đầy kịch tính. Ông thực sự là nghệ sĩ của ngôn từ.

  • Kết bài:

Với việc phối hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, với việc sử dụng lối hành văn đầy biến hóa độc đáo và giàu sức gợi tả, với việc vận dụng tri thức tổng hợp của những loại hình nghệ thuật khác nhau, Nguyễn Tuân đã miêu tả, bộc lộ cảm xúc và xây dựng thành công hình tuợng dòng sông Đà trong hai sắc thái hung bạo và trữ tình. Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của mình trong những trang viết tài hoa uyên bác của mình khi miêu tả dòng sông.

Nguồn: Vietvanhoctro.com