Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Đề bài: Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Gợi ý

a.  Yếu tố hoang đường kì ảo

Truyện có nhiều chi tiết mang yếu tố hoang đường kì ảo: hồn tên tướng giặc tử trận làm yêu làm quái trong dân gian, khi bị đốt đền hiện lên trách mắng dọa dầm Tử Văn, thổ công đến gặp Tử Văn, Tử Văn ốm rồi chết, hồn bị giải xuống âm phủ gặp Diêm Vương, cảnh thế giới địa phủ và cảnh Diêm Vương xử án, Tử Văn sống lại sau khi đã chết được hai ngày, sau đó lại mất, hồn nhận chức phán sự đền Tản Viên.

Yếu tố hoang đường kì ảo xen kẽ với yếu tố hiện thực tạo cho câu chuyện sắc màu huyền hoặc và sức hấp dẫn ma lực của thể truyền kì. Những yếu tố hoang đường kì ảo trong tác phẩm cũng là phương tiện để nhà văn thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình: thế giới cõi âm là sự phản chiếu bóng dáng cuộc đời thực. Quan điểm, thái độ của nhà văn đối với những vấn đề trong cuộc sống con người qua đó cũng được thể hiện.

b.  Những vấn đề cơ bản về nội dung tư tưởng:

Truyện kể về cuộc đối đầu kịch liệt giữa một bên là chàng Ngô Tử Văn tính tình khẳng khái, nóng nảy thấy sự tà gian thì không thề chịu được.Với một bên là hồn ma tên tướng giặc bại trận đang ngang nhiên làm hại dân lành. Đây thực chất là cuộc đối đầu giữa chính nghĩa và gian tà, giữa thiện và ác, giữa công bằng dân chủ và áp bức bất công.

Nhân vật Ngô Tử Văn dẫu một mình đơn độc trong cuộc đấu tranh với kẻ ác vẫn không hề nao núng, trong bất cứ bối cảnh nào vẫn vững tin vào chính nghĩa của mình đã trở thành đại diện điển hình cho những người trí thức trung thực, bán lĩnh, giàu tinh thần dân tộc luôn có mặt trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước.

Đề cao, cao ngợi những con người đó, Nguyễn Dữ đã cùng với nhân dân đóng góp một tiếng nói đồng tình mạnh mẽ vào cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xâ'u của con người. Sự chiến thắng của Tử Văn sau bao gian nguy, thử thách là phần thưởng xứng đáng cho sự dũng cảm, kiên định của nhân vật, đồng thời là biểu hiện của niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà và khát vọng giành được công lí của nhân dân. Đó cũng là lời cổ vũ nhiệt thành của tác giả cho con người trong cuộc đấu tranh đầy gian nan, khốc liệt với những thế lực hung ác.

Nhân vật tên tướng giặc khi sống là kẻ xâm lược, khi chết thành hồn ma xảo quyệt tiếp tục thể hiện bản chất tham tàn, bạo ngược là điển hình cho sự ngoan cố. dai dẳng của những thê lực gian tà. Bên cạnh đó, còn có những thánh, thần tham của bàng quan, vô trách nhiệm tạo điều kiện cho cái ác lộng hành trở thành biểu tượng sinh động chân thực của bọn tham quan ở lại chốn trần gian. Thông qua những nhân vật này, tác giả cho người đọc thấy được, bức tranh hiện thực, phần nhiều là đen tối chốn dương gian mà ở đó điều nhức nhối nhất là những kẻ đại diện cho công lí, nắm trong tay công lí lại chính là nhừng kẻ bất lương, vô nhân tính. Tố cáo xã hội, tố cáo giai cấp thông trị và kêu gọi con người đấu tranh đến cùng cho chính nghĩa, cho công lí cũng là một trong những vấn đề nội dung quan trọng của tác phẩm.