Phân tích Cảnh ngày hè của nhà thơ Nguyễn Trãi
Bài làm
Trong vở kịch Hamlet, một thi hào người Anh Shakespeare đã từng ca ngợi:
“Đây con người, một con người toàn vẹn
Chẳng bao giờ tôi thấy kẻ sánh vai”
Nguyễn Trãi- một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Ông còn là một vị anh hùng lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xân của đất nước. Không chỉ được khẳng định tài năng ở lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao mà đối với nền văn chương, Nguyễn Trãi cũng đã có những đóng góp lớn cho nên văn học nước nhà. Trong hoàn cảnh mỗi lúc một khác, lúc được vua tin dùng hay kể cả lúc thất sủng thì trong lý tưởng của ông vẫn luôn ấp ôm một nỗi niềm vì đất nước và nhân dân nồng hậu. Bài thơ “Cảnh ngày hè”được sáng tác vào thời gian nhà thơ về nghỉ ở Côn sơn, tạm lánh xa chốn kinh thành phồn hoa đô thị. Qua đó, phản ánh tâm hồn yêu nước, thương dân hòa hợp với thiên nhiên, con người và quê hương thắm thiết.
Giông bão cuộc đời đôi khi quá lớn, đủ xô ngã một con người. Nhưng đối với Nguyễn Trãi, dù là ở thế thời nào thì tâm hồn ông vẫn mang một vẻ thuần khiết đến lạ. Dường như trong nhà thơ luôn có một lý tưởng cao đẹp, chất chứa cả những nỗi lòng thầm kín về đất nước và con người. Lúc trước, ông được vua tin tưởng, nhưng khi thời thế thay đổi, ông không còn được trọng dụng nữa. Dẫu là vậy nhưng bao giờ cũng thế, con người Nguyễn Trãi vẫn thanh thoát, tao nhã, mang nặng nỗi niềm về cuộc đời và thời đại. Bão cát cuộc đời không làm ông gục ngã, không thể dập tắt đi ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm hồn người nghệ sĩ tài đức vẹn toàn ấy. “Cảnh ngày hè” là một bài thơ viết về khung cảnh thiên nhiên và con người bình dị ở Côn Sơn, nhưng trong đó cũng chất chứa nhiều tâm tư của nhà thơ, phản ánh lên một tấm lòng chan chứa tình yêu thiên nhiên,yêu con người, yêu đất nước và nhân dân. Bài thơ được viết theo khi tác giả về nghỉ ở Côn Sơn, bầu bạn với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông. Trong những ngày tháng nhàn nhã ấy, nhà thơ như hòa hợp cùng thiên nhiên với mùa hè tưng bừng sức sống, thoáng đãng:
Rồi hóng mát , thuở ngày trường
Bức tranh ngày hè hiện lên trong tâm thế thư thái, thanh thản. Dòng thơ mở đầu chỉ có sáu chữ với một điệu ngắt quãng ở giữa đã thể hiện được sự táo bạo, mới mẻ trong thơ Nôm thời ấy. Đây là một bài thơ viết theo thể Thất ngôn bát cú quen thuộc nhưng ở câu đầu tiên lại cho ta thấy một sự ngỡ ngàng, khó hiểu. Với nhịp thơ trậm rãi, ung dung, tự tại đã toát lên một phong thái thoải mái của nhà thơ. “Rồi hóng mát” như gợi nên một sự rỗi rãi, không có gì vướng bận với một tư thế thảnh thơi, nhàn rỗi, tự do giữa chốn núi rừng bình dị. Đối với một bậc khai quốc công thần tiền triều luôn có lòng tận trung, tận lực với đất nước như Nguyễn Trãi- thân không nhàn mà tâm cũng không thể nhàn thì bây giờ, khoảng “ngày trường” ấy quả là một ngày hiếm hoi cả bậc tài nhân. Tạm tránh cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp , trở về với núi rừng, nhà thơ đã đến với thiên nhiên một cách gần gũi và yêu cảnh đẹp một cách say đắm.
Thiên nhiên vốn là mãnh đất màu mỡ để các vị thi nhân trung đại mặc sức khai phá. Đặc biệt, đó cũng là nguồn cảm hứng không bao giờ với cạn đối với Nguyễn Trãi. Nhà thơ trong cái “bất đắc dĩ” của thời đại đã chọn tìm về với thiên nhiên, bầu bạn với thiên nhiên và hòa nhịp với núi rừng yên bình, nên thơ:
Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Ở những câu thơ đầu, nhà thơ đã dẫn ta đến với một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống rực rỡ, tràn đầy sức sống trong không khí của mùa hè với sự náo nhiệt, rộng ràng của những ngày thường. Từ bỏ chốn quan trường đầy cám dỗ, lui về ở ẩn giữa núi rừng bao la, tâm hồn tác giả như được giải tỏa sau những năm tháng vật vã nơi đô thành. Chỉ ba câu thơ hàm súc với ngôn từ tươi tắn. Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh mùa hè với chất liệu đặc trưng của thiên nhiên, đậm sắc và tươi tắn. Cảnh sắc ngày hè nổi lên trong sự mới vẻ qua hình ảnh:cây hòe, cây lưu, hoa sen. Qua đó đã thể hiện một sự mộc mạc và hết sức bình dị ở chốn thôn quê dân dã. Cảnh vật hiện lên trong sự tinh tế, tươi mới. Màu “hòe lục” gợi nên một vẻ xanh mướt, tao nhã, nó không được miêu tả như một vật thông thường mà hơn thế, nó được đặt trong sự vận động của trạng thái tự nhiên. Màu “lựu” đỏ như thể hiện sự rực rỡ, tươi nồng.những bông hoa “thạch lựu” được ví như một đốm lửa cháy rực, lập lòe nhue trong câu thơ của Nguyễn Du:”Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.(Truyện Kiều). Và còn cả màu “hồng” của hoa sen đã mang lại một cảm giác dịu ngọt, thuần khiết, ao sen gợi hương thơm đến não nùng tỏa khắp không gian trong sự phản phất của dư vị thơm dịu của hoa. Bức tranh hiện lên với những gam màu đậm, chói lọi đã tô điểm thêm cho bức tranh thành một khung cảnh tuyệt mĩ, tráng lệ. Trong nhịp thơ dồn dập như thể sự vật đang đùn đẩy nhau đua nở. Để diễn tả trạng thái của cảnh vật, nhà thơ đã sử dụng những động từ mạnh, tính từ sắc thái:”đùn đùn”,”phun”,”tiễn” như đang trào ra một nội sinh mãnh liệt và mạnh mẽ vô cùng, tạo nên một vẻ dồn dập tuôn ra mạnh mẽ với sức sống trỗi dậy nhanh chóng, thanh thoát. Cảnh vật dường như đang được thôi thức để cùng ứa căng nhựa sống, đua nhau khoe sắc để tỏa hương và lan tràn sự mới mẻ. Hình ảnh giản dị, sinh động, với cách dùng từ đậm chất dân dã đã gợi nên một bức tranh thiên nhiên mùa hè tràn đầy sức sống của thiên nhiên Côn Sơn. Cái sinh khí thanh thoát, nồng nàn ấy chẳng giống cái mùa hè nóng nực trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”:
“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè”
Phân tích Cảnh ngày hè của nhà thơ Nguyễn Trãi
Thế giới bên ngoài đang tuôn trào cảm hứng và sức sống. Phải chăng, Nguyễn Trãi cũng muốn mở rộng tâm hồn mình với cuộc sống bên ngoài để cảm nhận cái không khí biến chuyển không ngừng của tự nhiên. Ở trong thơ, hình ảnh sinh động, bức tranh ấy không chỉ có họa mà dường như, trong cái trầm mặc của khung cảnh, còn có cả âm thanh văng vẳng dồn về:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Chỉ một vẻ đẹp vô tư, hồn nhiên của cảnh vật đã tạm xua đi những áng mây buồn trong tâm trí nhà thơ. Ông đã mở lòng với thiên nhiên và cũng chính tại nơi đây, nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sự sống. Hình ảnh gần gũi, thân quen nhưng hình như khi đi qua ngòi bút của Nguyễn Trãi, nó trở nên khác lạ và chẳng giống ai. Hai từ láy “lao xao”, “dắng dỏi” được đảo lên đầu câu như muốn làm nổi bật âm thanh và tiếng động của sự sôi động, náo nhiệt, lấn át cả cái vẻ cô liêu, “tịch dương” của hoàn cảnh. Cảnh chợ cá hiện ra giữa sự hiu quạnh của núi rừng bỗng trở thành tâm điểm đáng chú ý trong thơ. Đó là một dấu hiệu báo hiệu có sự sống của con người. Âm thanh và tiếng động trong thơ bỗng trở nên sinh động, với tiếng cười, tiếng nói của kẻ bán, người mua trong phiên chợ. Quang cảnh đó như gợi đến một cảm giác bình yên, ấm áp, xua tan đi những phiền muộn của thời thế. Nhà thơ không hề thoát tục và cũng không hề có ý muốn thoát tục, ông chấp nhận cuộc sống bình thường như bao con người khác. Dù đang ngán ngao cảnh đời nhưng khi tìm về với thiên nhiên, tâm hồn như được gột rửa, ông như muốn hướng lòng mình về với cuộc sống bình dị, không âu lo. Những âm thanh đời thường văng vẳng, nhà thơ cứ thế mà mở hết giác quan để cảm nhận sự sống ấy và liên tưởng bất ngờ :”dắng dỏi cầm ve”, tiếng ve vang lên lả lướt, inh ỏi- một thứ âm thanh không còn xa lạ đối với mùa hè như một bản tấu rộn ràng, hòa chung với cảnh vật và con người. Cảnh vật hiện lên thật thanh bình, êm ả nơi chốn thôn quê mộc mạc, giản đơn nhưng căng tràn sự sống.
Cảnh vật và thiên nhiên không hề u ám, trái lại nó rất gần gũi và thân thiết với cuộc đời con người. Cùng tìm về rừng núi để tìm nơi ẩn thân, cùng chán ngưỡng cảnh đời oan trái, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng ngân nga với đời thường bình dị chốn núi rừng với nét sống tao nhã, hòa hợp với sự vật:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.
“Thơ khởi phát từ trong lòng người ta”(Lê Quý Đôn), quả thực nếu không có những cảm xúc được kìn nén, những tâm sự chất chứa trong lòng thì cũng sẽ chẳng bao giờ có thơ. Với tiếng nói yêu thương từ cuộc sống, tiếng lòng của Ức Trai đối với quê hương và con người. Dẫu đã quy về ở ẩn, lẫn tránh sự đời nhưng dường như, nhà thơ vẫn còn nao lòng và chưa giây phút nào quên được nỗi niềm với dân, với nước:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Sống giữa bình yên, giữa suối nguồn và vòng tay của thiên nhiên và cuộc sống vô lo vô nghĩ. Nhưng có lẽ, Nguyễn Trãi vẫn luôn trăn trở về đất nước và bổn phận của mình, đau đáu một tiếng lòng về nỗi niềm suy thịnh,tồn vong của dân tộc. Nhà thơ mượn điển tích “Ngu cầm” để nói lên tấm lòng của một con người luôn đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu. Sâu trong tâm khảm tác giả, dường như đang mang một ước vọng về cuộc sống nhân dân. Liệu rằng nhà thơ có muốn gẩy lên khúc Nam Phong để ca ngợi cuộc sống thái bình, an yên. Hay đó chỉ là một mong muốn tột độ, mong muốn về sự ấm no, đủ đầy cho dân và cho nước?,”dân giàu đủ khắp đòi phương”. Mang nặng một lòng yêu nước nồng nàn nhưng lại về ở ẩn. Dù vậy, trong lòng Nguyễn Trãi vẫn luôn hướng về con người và Tổ quốc, vẫn vướng víu đến chuyện đời mang bao sầu não. Những dòng thơ mộc mạc, bình dị cất lên như một tấm lòng chân thành đang vùng dậy vì sự sống muôn loài, vì niềm yêu cháy bỏng đối với nhân dân và nước nhà. Ông luôn mong rằng đất nước sẽ phồn thịnh, nhân dân giàu mạnh, đủ đầy để thỏa nỗi lòng đang còn nhiều tơ vương, ưu phiền của tác giả. Có thể nói rằng, nhà thơ của đang hưởng lạc một cuộc sống an nhàn, rảnh rỗi nhưng không hề thanh thản. Với lúc này, ông nhàn thân xác nhưng tâm không nhàn. Phải chăng, đó là tấm lòng yêu nước của một nhà Nho đường thời đang canh cánh nỗi niềm dân tộc và cuộc sống con người:
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu
Hậu thiên hạ chi lạc ưu lạc”
Một hồn thơ bắt sâu vào cuộc sống thiên nhiên nhưng cảm xúc của thơ lại đi sâu vào mạch sống của nhân dân, đất nước. Nguyễn Trãi đã đưa ngôn ngữ thơ ca về gần với cuộc sống và vẽ nên bức tranh cuộc sống muôn màu đầy chân thực và sinh động. Bài thơ “Cảnh ngày hè” đã tạo dựng được vẻ đẹp của thiên nhiên thuần khiết, ẩn dấu trong đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn con người thanh cao, giàu tâm huyết. Bức tranh mùa hè rực rỡ, sôi động đã mang đến cho người đọc một cảm nhận độc đáo về thiên nhiên cũng như hồn thơ Nguyễn Trãi- một hồn thơ sáng và đẹp, mang trong thơ cả nỗi lòng thi nhân:”Non sông cùng ta đà có duyên”.
Bùi Phương Thảo