Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của nhà thơ Hồ Xuân Hương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Tự tình 2 của nhà thơ Hồ Xuân Hương.

Bài làm:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương

Từ xa xưa, những câu thơ nói về thân phận người phụ nữ đã không còn quá xa lạ. Đề tài người phụ nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tài nhân mọi thời. Nếu khi xưa, Nguyễn Du từng chua xót:”Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Hay trong “Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều có viết:”Hoa này bướm lỡ thờ ơ/ Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng”. Thì “Tự tình 2” cũng là bài thơ tiêu biểu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tiếng lòng người phụ nữ thầm kín, bộc lên một nỗi chua xót, căm phẫn trước số phận của người phụ nữ xưa với những khát khao về hạnh phúc thầm kín của con người muôn thuở.

Thơ là tiếng lòng, là sự phản chiếu đời sống qua tâm hồn phong phú của mỗi người. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, dù tài hoa nhưng cuộc đời lận đận, long đong, gặp nhiều nỗi eo le, ngang trái của cuộc đời. Bà đã hai lần lấy chồng nhưng đều phải làm lẽ và cuối cùng bà quyết định sống cô độc, mang nỗi cô đơn đến cuối đời. Vốn là một con người thông minh, xinh đẹp, một con người phóng túng, cá tính mạnh mẽ, sắc sảo nhưng số phận chìm nổi, nhiều tủi hờn. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói cảm thương đối với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, dù chịu bao cay đắng nhưng họ vẫn kiên cường và có những vẻ đẹp về phẩm chất và khát vọng cao cả. Bài thơ “Tự tình 2” với phong cách thơ trào phúng nhưng cũng hết sức trữ tình và đậm chất văn học dân gian, viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật đã để lại nhiều xúc cảm đối với người đọc

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Mở đầu bài thơ là không gian thanh vắng, tĩnh mịch của “đêm khuya”, thời khắc êm ắng, đến hiu cạnh của màn đêm đã phủ dăng khắp tâm hồn con người. Có lẽ, phải khuya khoắt, yên tĩnh lắm mới nghe được “trống canh dồn” đêm hôm cứ “văng vẳng” bên tai. Màn đêm buông xuống, là khoảng thời gian ân ái, mặn nồng của những đôi lứa yêu nhau. Vậy mà, nhân vật trữ tình chỉ có một mình, tránh sao cho khỏi cảnh sầu thương? Vào đêm, khoảng không gian rộng lớn của nước non đang trầm mặc, thanh vắng. Đó là lúc phù hợp để chủ thể trữ tình bộc bạch nỗi niềm, tâm sự trong lòng. Và cũng chính ở thời khắc ấy, Hồ Xuân Hương như đang thao thức, trằn trọc trong nỗi cô đơn, lẻ loi, đối diện với lòng mình, bà càng thấy thương cho bản thân đang phải chịu bao cay đắng của sự đời trớ trêu. Tiếng trống cứ văng vẳng, dồn dập vọng lại như báo hiệu khoảng thời gian đang trôi rất nhanh, trôi dồn dập khiến tâm trạng của con người càng thêm rối bời, nặng lòng. Sự đời ngổn ngang đầy oan trái, con người lại càng gặp nhiều bất hạnh đặc biệt là thân phận người phụ nữ xưa. Người ta vẫn thường nói:”Hồng nhan thì bạc mệnh”, thế mà trong câu thơ thứ hai, nhà thơ lại viết rằng:”trơ cái hồng nhan với nước non” như đang ẩn dụ hình ảnh của mình ở trong đó. Đảo ngữ động từ “trơ” lên đầu câu như gợi tả sự trơ trọi, cô đơn giữa “nước non”. Nhịp thơ bỗng ngắt nhịp bất thường với điệu 1/3/3 đã gây ấn tượng mạnh khi đọc câu thơ. Phải chăng, cái “trơ” ấy không đơn giản chỉ là trơ trụi mà đó còn là sự bẽ bàng tủi hổ, sự thách thức với cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi kết hợp từ “trơ” với từ “nước non”.  Khi xưa, Nguyễn Du đã xây dựng nên một hình tượng nàng Kiều xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh, thì nay, Hồ Xuân Hương cũng là một hình tượng như thế. “Hồng nhan” là nhan sắc mĩ miều của người con gái với vẻ đẹp thanh thoát. Nhưng ở trong thơ, nhà thơ lại dùng từ “cái hồng nhan” như thể hiện một sự rẻ rúng, mỉa mai đầy căm phẫn. Hơn thế nữa, “cái hồng nhan” còn trơ với “nước non” như nói lên một sự cay đắng, tủi hờn muôn phần của thân phận con gái bạc bẽo, vô vị.

Xem thêm:  Cảm nhận về bài Cổng trường mở ra - Văn mẫu lớp 7


phan tich bai tho tu tinh 2 cua nha tho ho xuan huong tuyet hay - Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của nhà thơ Hồ Xuân Hương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Tự tình 2

Trong không gian cô quạnh, đầy bi thương, kiếp hồng nhan ấy đã tìm đến rượu để giải bày tâm sự, giải thoát  cho tâm hồn mình. Nỗi lòng đầy oán ức, nổi buồn  và đầy tủi nhục khi phải sống trong cảnh làm vợ lẽ đã ngấm sâu trong thân phận bẽ bàng của người phụ nữ, từng giọt rượu sầu bi đang làm chua xót, đắng cay hơn cho trái tim nhà thơ, nhưng bà vẫn quyết uống cho vơi bớt nỗi đau trong lòng

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

 Mượn rượu giải sầu vốn là hình thức quen thuộc mà bao nhà thơ đã dùng, nhưng đối với Bà chúa thơ Nôm, rượu dường như chẳng còn tác dụng khi “chén rượu hương đưa say lại tỉnh”. Nghệ thuật đối “say” với “tỉnh”, “khuyết” với “tròn” đã cho thấy sự trái ngược trong tâm trạng người thi sĩ. Bà đang day dứt, muốn mượn rượu để quên đi sự đời nhưng càng uống lại càng tỉnh, chẳng thể nào say giấc nồng để trút bãng đi cái đời bạc bẽo, đầy oan trái. Hồ Xuân Hương như muốn quên đi cái hoàn cảnh hiện tại của bản thân, thoát li thực tại để chìm vào giấc say triền miên chẳng bao giờ tỉnh lại. Nhưng rượu chỉ làm cho nàng say được một lúc và sau đó lại tỉnh, nỗi buồn lại càng thấm thía sâu tận vào tâm can, bà lại buồn cho thân phận nổi trôi, buồn đau của mình. Cùng với đó, nhà thơ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Dường như, tác giả đã nhìn thấy cảnh vật thiên nhiên và thấy vầng trăng, từ đó liên tưởng đến thân phận của mình. Hình ảnh “vầng trăng bóng xế” chính là đang nói đến con người đã không còn trẻ nữa, tuổi thanh xuân đã hao mòn cùng năm tháng, vậy mà trăng đã xế nhưng vẫn “khuyết chưa tròn”. Phải chăng, thiên nhiên đang giao hòa, đồng cảm cùng con người.  Nhà thơ lấy hình ảnh vầng trăng để nói lên hoàn cảnh của mình. Tuổi xuân đã đi qua, nhan săc đã tàn phai theo tháng năm, thế nhưng tình duyên vẫn còn long đong, không trọn vẹn. Hai câu thơ thực vừa tả cảnh nhưng cũng đang nói lên tâm trạng của nhân vật trữ tình, đó chính là thủ pháp tả cảnh ngụ tình mà tác giả đã dùng trong câu. Thiên nhiên tuy đẹp mà buồn, con người cũng vậy, mang tâm trạng buồn thì nhìn cảnh cũng thấy buồn theo:

Xem thêm:  Dàn ý Tả con mèo lớp 6 chi tiết đầy đủ

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

                                      (Truyện Kiều –  Nguyễn Du)

Không gian cô quanh đến ão não cứ thế bao trùm lấy những vần thơ. Để rồi, khi những khao khát của con người trỗi dậy, nó lại mạnh mẽ đến vô cùng. Người phụ nữ trong thơ bỗng trở nên ngông cuồng, có cá tính như một mảnh thủy tinh đã vỡ nhưng sắc bén, khôn lường:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn

Từng đám rêu nhỏ bé, yếu mềm vậy mà cũng không chịu khuất phục trước số phận. Nhà thơ đã đảo ngữ “xiên ngang mặt đất”, “đâm toạc chân mây” để nhấn mạnh sức sống mãnh liệt cuarcon người. Với những động từ mạnh “xiêng ngang”, “đâm toạc” đã gợi nên một sức sống mạnh mẽ và tiềm tàng vô cùng của chủ thể trữ tình. Qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, ta thấy được rằng nhân vật trong thơ không chỉ phẫn uất, căm hờn mà con phản kháng, vẫy vùng quyết liệt với số phận. Rêu thì làm sao “xiên” được ngang mặt đất? Đá rắn chắc đến đâu mà đâm “toạc” được chân mây? Phải có một ma lực nào đó, một sức mạnh nào đó đã nhẫn nhịn từ lâu để khi lòng đã tràn đầy cảm xúc, nó lại bộc phá lên một nguồn nội lực mãnh liệt để chống lại số phận. Nhân vật trữ tình đang thể hiện một cá tính mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước cuộc đời đầy oan trái, bất hạnh. Một bản lĩnh, một thái độ phi thường hoàn toàn khác hẳn với vẻ nhu mì, yếu đuối của người phụ nữ phong kiến thời xưa. Tình yêu và khát vọng hạnh phúc đã giúp họ có được sức mạnh để sinh tồn và phát triển dù trong hoàn cảnh nào, dù khắc nghiệt, nhưng họ vẫn mạnh mẽ trước thực tại phũ phàng của thời thế.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Năm tháng cứ thế qua đi, sự chờ đợi mỏi mồn, đau đớn trong tình yêu đã khiến người phụ nữ thấm mệt. Còn gì đau khổ hơn khi chứng kiến tuổi xuân của mình cứ vô nghĩa trôi đi cùng những ngày đợi mong, thanh xuân người phụ nữ dần mai một mà chưa lần nào họ được hưởng trọn vị hạnh phúc. Nhà thơ đã “ngán” cảnh chán chường ấy, “xuân đi xuân lại lại”. Tuổi đời lặng lẽ trôi qua, mùa xuân cứ đến rồi lại đi và lại đến, nhưng dường như chẳng mảy may động tĩnh gì trong sự ngọt ngào của tình yêu. Điệp từ “xuân” được lặp lại cùng từ láy “lại lại” đã cho thấy một sự tuần hoàn của mùa xuân cứ qua đi rồi lại đến. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Cứ thế suốt tháng ngày dài đằng đẵng, nhà thơ nuôi hy vọng để rồi lại thất vọng đến nỗi đã quá “ngán”, quá chán chường cái cảnh bế tắc này. Thời gian đang kéo theo nỗi đau về thân phận người phụ nữ, vì thế ở hai câu cuối bài lại đọng lại một nét bi thương trước số phận eo le

Xem thêm:  Kể về kỉ niệm khó quên về tình bạn

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm chừng mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

                                       (Lấy chồng chung – Hồ Xuân Hương)

Không chỉ Hồ Xuân Hương, đây cũng chính là nỗi đau chung của thân phận người đàn bà trong xã hội cũ. Khi hạnh phúc chỉ là chiếc chăn quá hẹp, người ấm người “lạnh lùng”. Bước qua hai lần đò làm vợ lẽ, chắc hẳn nhà thơ đã phải chịu quá nhiều tủi hờn khi “mảnh tình san sẻ tí con con”. “Mảnh tình” vốn đã ít ỏi, nhỏ bé nay lại còn phải “san sẻ”. Nghệ thuật tăng tiến nhấn mạng sự nhỏ bé dần của hạnh phúc trong cuộc đời Hồ Xuân Hương. Đó chính là nghịch cảnh eo le, là tâm trạng cảu phận làm lẽ, và là nỗi thương chung cho những người phụ nữ chung số phận. 

Bỗng chốc vang lên một giọng ca táo bạo và đầy cá tính, Hồ Xuân Hương đã tạo nên một tiếng vang lớn giữa dòng thơ trung đại Việt Nam đương thời. Bài thơ “Tự tình 2” là một giọng ca rất riêng, rất ngông cuồng, mãnh liệt nhưng cũng đầy ngậm ngùi, chua xót về thân phận người phụ nữ. Bằng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh giàu sức gợi và bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Hồ Xuân Hương đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mang nhiều tâm trạng. Đồng thời, qua đó nhà thơ đã thể hiện được nỗi lòng phẫn uất và quyết vượt lên số phận của con người để tìm kiếm hạnh phúc vẹn trong nhưng cuối cùng vẫn nhận lại một tấn bi kịch đầy đau đớn, xót xa, chìm đắm trong bi thương, tủi hờn trước cuộc sống lúc bấy giờ.

Bùi Phương Thảo