Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu
Bài làm:
“Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ sẽ làm đắm say lòng người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được cái thế bình quân giữa hai vực thu hút ấy. Thơ anh vừa ru lòng người trong nhạc, vừa thức người bằng ý”(Chế Lan Viên). Mang đậm phong cách trữ tình chính trí, dường như cả cuộc đời thơ Tố Hữu dành để ca ngợi đất nước, nhân dân và những lý tưởng cách mạng cao đẹp. Tố Hữu- cánh chim đầu đàn của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam, một tiểu tư sản yêu nước được giác ngộ lý tưởng Cách mạng và trở thành người chiến sĩ Cộng sản. Từ đó, thơ ông gắn liền với cuộc sống Cách mạng và cuộc đời kháng chiên. Bài thơ “Từ ấy” ra đời đã đánh dấu cho sự trưởng thành trong lý tưởng, là mốc son lớn, bước ngoặt lớn trong cuộc đời và tâm hồn của người thanh niên yêu nước . Lời thơ trong bài chính là tiếng lòng vui sướng, hạnh phúc của nhà thơ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, kiếm tìm được lẽ sống cao đẹp và ánh sáng của lý tưởng, của Đảng và Bác Hồ.
Trong cuộc đời mỗi con người, ở một thời điểm nào đó sẽ có những sự đổi thay kì diệu, đánh dấu một bước đi mới trong sự phát triển của nhân cách con người. Đối với Tố Hữu, những giây phút được giác ngộ Cách mạng đã trở thành những dấu ấn mãi mãi chẳng thể phai mờ. Khoảnh khắc tiếp nhận chân lí và tư tưởng của Cộng sản chính là thời khắc đẹp nhất trong cuộc đời người thanh niên yêu nước. Đó là cái mốc son đỏ thắm khiến tâm hồn nhà thơ như sống dậy. Và “Từ ấy” con người ấy tìm được chân lý cao cả và được ánh sáng của Đảng soi đường, dẫn lối:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Tiếng hát trong trẻo, tiếng lòng say mê, phấn chấn của người thanh niên Cộng sản được cất lên trong sự vui mừng, hứng khởi. “Từ ấy” là một mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời nhà thơ, đó là sự giác ngộ lớn, là tư tưởng lớn trong lẽ sống cao đẹp và lớn lao. Mở đầu bài thơ với cụm từ đơn giản, ngắn gọn, giản dị :”Từ ấy” nhưng đã bộc lộ được sự nhận thức trong tâm hồn một con người, là những cảm xúc chân thật và sung sướng khi bắt gặp được nguồn sống lớn, niềm vui lớn, niềm hãnh diện cao cả. Và chính lúc ấy “trong tôi bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý chói qua tim”. Tâm hồn nhà thơ như được gột rửa và bước sang một trang mới, ánh “nắng hạ” nhẹ nhàng “bừng” lên trong tâm trí tác giả. Đó là thứ ánh sáng rực rỡ, cao sang. Cái “nắng hạ” chói lòa cả màu mắt, không giống với ba mùa còn lại trong năm. Thêm vào đó, tác giả còn dùng từ “bừng” để diễn tả sự bộc phát, ánh sáng phát ra đột ngột, mạnh mẽ. Phải chăng, đó là ánh sáng của “mặt trời chân lý”đang rực sáng và khơi dậy trong lòng nhà thơ. Hình ảnh mặt trời là một hình ảnh ẩn dụ mang màu sắc mới lạ, hấp dẫn. Đó không những là ánh sáng mặt trời của tự nhiên, mà còn là ánh sáng trong lòng, là chân lý của Đảng, của Cách mạng, của chủ nghĩa Mác-Lê nin đang soi chiếu, tỏa sáng với một sức sống ấm áp, đằm thắm, cần thiết như mặt trời và đúng đắn như chân lý “chói qua tim” người Cộng sản mới. Thứ mà người ta gọi là lẽ sống cao đẹp ấy đã đâm xuyên qua trái tim nhà thơ, hiện lên một sức sáng đến mức “chói” cả trong lòng. Nguồn sáng ấy mạng mẽ đến kì lạ và hấp dẫn khiến người ta không thể cưỡng nổi. Ánh sáng ban đầu vốn dĩ chỉ như ngọn lửa nhỏ đang cháy âm ỉ trong tim, nhưng đến lúc này, nó chợt lóe sáng trong tim, làm thổn thức cả một tâm hồn và trái tim con người yêu nước. Là nắng, là mặt trời hay là nắng ở trong lòng người thì đều là những thứ cao đẹp, khởi đầu cho một tư tưởng, một hành trình mới của nhà thơ. Đó là những hình ảnh ẩn dụ, ẩn dụ cho lý tưởng Cách mạng, cho lí lẽ cao cả như nguồn sáng mới mẻ đang bừng dậy trong tâm hồn người thanh niên Cộng sản. Ở hai câu đầu, những hình ảnh được nhà thơ soi lọc kĩ càng, lấy ngữ liệu từ tự nhiên thuần khiết để bộc lộ nỗi niềm trong lòng mình. Đó chính là sự kính trong, ân tình, biết ơn của nhà thơ đối với Đảng, với Cách mạng. Chính ánh sáng của lý tưởng ấy đã soi đường, chỉ lối, xua tan sương mù và những hướng đi mơ hồ trong ý thức tiểu tư sản và đồng thời mở ra cho họ một con đường mới, một chân trời mới với tầm nhận thức và tư tưởng, tình cảm cao đẹp hơn.
Thiên nhiên vốn dĩ là ngữ liệu gần gũi nhất để người thi sĩ dùng trong thơ. Với Tố Hữu, việc lấy thiên nhiên để diễn tả lòng người đã là điều quen thuộc trong phong cách thơ của ông. Cách mạng đã soi đường cho những người thanh niên trẻ, niềm vui sướng ấy không thể nào nói thành lời, cảm xúc vỡ oà đến tột cùng khi tư tưởng đã được giác ngộ:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Niềm hạnh phúc vô bờ của mình trong buổi đầu đến với cách mạng đã được tác giả diễn tả thật chân thực, thành khẩn. Đó là niềm tự hào, hãnh diện khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng với những cảm xúc không thể nói nên lời. Một loạt hình ảnh ẩn dụ, so sánh được nhà thơ dùng liên tiếp như để nói ra hết nỗi lòng mình ngay lúc ấy. “Hồn tôi” bây giờ đang man mác một cảm giác của niềm vui, tâm hồn thảnh thơi, tươi mới như “một vườn hoa lá”, “đậm hương”, và “rộn tiếng chim”. Hình ảnh so sáng ấy đã gợi nên một không gian tràn đầy sức sống. Ở đây, có cỏ cây hoa lá, có âm thanh bình dị như hiện nên một tâm hồn phóng khoáng, vui tươi, đầy năng lượng của một con người.Tố Hữu đã đón nhận lí tưởng của Đảng giống như cỏ cây, hoa lá đón nhận ánh sáng mặt trời để hấp thụ sự sống và nuôi dưỡng bản thân. Cỏ cây tươi xanh nhờ ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng. Còn tác giả vui sướng vì có ánh sáng rực chói của Đảng đang săn sóc tâm hồn. Nhà thơ như yêu thêm cái cuộc đời này và cảm thấy nó ý nghĩa đến lạ. Hơn thế nữa, đó cũng là niềm tự hào, kiêu hãnh trong trái tim con người. Bằng bút pháp trữ tình kết hợp đan xen với lãng mạn, ngay ở đoạn thơ đầu đã thể hiện được tình cảm chân thành, nồng nhiệt và trong trẻo trong ý thức một người thanh niên trẻ, thể hiện được niềm vui và nỗi lòng nhà thơ khi bắt gặp được lý tưởng mới cao đẹp và tìm được hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình.
Khác với những nhà thơ khác, nếu các nhà thơ mới đương thời luôn mơ ước cuộc sống với những niềm vui bằng những hình ảnh trừu tượng:
“Tôi muốn hóa một con chim để cùng gió bay
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng.
Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng”.
Thì đối với nhà thơ Tố Hữu, ông lại có những ước nguyện thiết thực hơn:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Nhận thức về lẽ sống cũng chính là nhận thức về mối quan hệ giữa cá nhân nhà thơ với mọi người, với nhân dân, đặc biệt với những con người lao động kham khổ. Cái “tôi” riêng được đặt trong trên trên hòa cùng với cái “ta” chung của toàn dân tộc. Đó chính là quan hệ mật thiết, đoàn kết, gắn bó vô cùng để kết thành một làn sóng mạnh mẽ và sức mạnh lớn để đấu tranh vì cách mạng. Nhận thức của tác giả đã có nhiều biến chuyển và sự thay đổi lớn, ông như muốn hòa nhịp cùng nhân dân để làm nên những điều lớn lao cho Cách mạng và kháng chiến. Động từ “buộc” đã thể hiện được điều đó. Nó không phải là bắt buộc, cũng không có ý nghĩa là miễn cưỡng mà nó là tự nguyện-sự tự nguyện trong ý thức người thanh niên Cộng sản. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện được nguyện ý chân thành và sâu sắc đối với Cách mạng. Lòng quyết tâm ấy đã được đẩy lên đến cao độ. Sự trải rộng của tâm hồn nhà thơ đã được lan tỏa thành một nếp sống đẹp của một tâm hồn, Tố Hữu muốn “để tình trang trải với muôn nơi” như là muốn giao kết và đưa lòng mình đến với muôn dân, muôn họ. Cuộc đời ông đã gắn bó cả cuộc đời với cách mạng, để rồi Xuân Diệu đã hạ bút viết rằng:”Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc. Giải phóng cho người lao khổ”. Là một nhà thơ sống hết mình vì Cách mạng thì sự đồng cảm và thấu hiểu với con người và cuộc sống nhân dân là một điều tất yếu. Nhà thơ muốn gắn cuộc đời mình với nhân dân, gắn hồn mình với tâm hồn nhân dân và đất nước. “Để hồn tôi với bao hồn khổ” nhằm thể hiện một sự đồng cảm sâu sắc, thấu hiểu lòng người của nhà thơ. Ông muốn gắn kết bản thân với mọi người, gắn kết cuộc sống mình cùng bao sinh linh trên mọi miền Tổ quốc. Người ta thường nói:”một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bằng định luật ấy, Tố Hữu như muốn gắn kết mình, giao hòa tâm hồn và sức sống mình cùng người dân để “gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Đó chính là hình ảnh ẩn dụ trừu tượng hóa sức mạnh của mình và sức mạnh của toàn dân thành một “khối đời” vững chắc. Từ việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng cho đến những thay đổi về nhận thức và tư tưởng trong tâm hồn, Tố Hữu đã nguyện gắn kết cái tôi cá nhận của mình vào nhịp sống và cái ta chung của thời thế, hướng tới sự gắn bó cùng quần chúng nhân dân, cùng nhau vượt qua lao khổ để đấu tranh vì tự do, hòa bình. Nhà thơ tự đặt mình vào vị trí và môi trường quần chúng để hiểu hơn về lối sống và tâm hồn họ. Đồng thời, qua đó ông cũng tìm thấy niềm vui và sức mạnh từ họ. Với tình yêu chân thành, thắm thiếu, bằng trái tim muốn giao cảm với đời, tác giả đã hòa nhập được tâm hồn mình vào thế giới của triệu con người dân Việt:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Lẽ “sống là cho”, cho đi và nhận lại là những quy luật tất yếu của tạo hóa, là một người sống trong hoàn cảnh đất nước đang mất tự do thì càng nên gắn bó và dâng hiến sức mạnh của mình, hòa nhịp vào sức mạnh muôn dân để dành về cái quyền độc lập ấy. Cho người ta cái mình có thì cũng sẽ nhận lại được thứ mình khao khát, nếu không được gì thì cũng đã được cho. Lời thơ như một lời tâm sự, cũng là nỗi niềm thầm kín của nhà thơ về những cảm xúc vỡ òa và những mong muốn, khát khao từ đáy lòng người thanh niên mang lòng yêu nước nồng nàn, cuồng nhiệt.
“Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu”(Hoài Thanh). Với sự lãng mạn và trữ tình chính trị trong thơ, Tố Hữu đang đem đến những nét độc đáo trong âm điệu và cách diễn tả nội dung. Ở đoạn cuối bài, dường như có một sự chuyển biến tình cảm hoàn toàn sang một phương diện mới:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Tiếp tục ghi nhận những biến đổi trong tình cảm, nhận thức và hành động của nhà thơ về lẽ sống. Đó là những quan hệ hết sức gần gũi, thân thiết với nhân dân lao động. Tác giả tự nhận mình là “con của vạn nhà”, “em của vạn kiếp”, “anh của vạn đầu em nhỏ” để nói lên một tình cảm lớn trong gia đình đối với những người thân yêu. Vì là người thân như ruột thịt, nhà thơ càng phải có trách nhiệm đối với họ, cũng như thể hiện được mình là một người cùng họ chung một nhịp bước, thở chung một bầu không khí, chung kẻ thù, chung mục đích, chung lý tưởng sống. Kiếp đời nghèo khổ, vất vả của những “kiếp phôi pha” đã gợi nên một cái gì đó của sự tàn phai, mai một, sống bơ vơ, nhưng dù là thế thì nhà thơ vẫn nhận mình là “em” để cùng nếm trải cảnh đời với những con người ấy. Trong sự đấu tranh vì hòa bình, toàn thể nhân dân chính là gia đình, là “nhà” của người thanh niên ấy, ông phải cố gắng để mình trở thành thành viên trong ngôi nhà lớn. Điệp từ “là” trong đoạn thơ được lặp lại ba lần như đang nhấn mạnh sự gần gũi trong các mối quan hệ, đó là tập thể, là “vạn nhà”, là người thân và cả những người “em nhỏ”, vừa nhấn mạnh được sự thương xót cho những kiếp đời nghèo khổ . Đồng nghĩa với điều đó chính là gánh nặng trên vai càng ngày càng lớn đối với tác giả. Đời sống nhân dân khốn khổ, “cù bất cù bơ” vì “không áo cơm”, sống kiếp lang thang, không nơi nương tựa, không chốn nương thân đã khiến nhà thơ nao lòng và đồng cảm. Cách nói trực tiếp, trận trụi, tự nhận mình là người thân với mọi người trong xã hội đã thể hiện một bản tính thẳng thắn, tự giác của nhà thơ. Phải chăng, đó chính là ý thức giác ngộ và lẽ sống cao đẹp mang tính giai cấp của người Cộng sản trong cuộc vận động tuyên truyền và đấu tranh cách mạng:
“Nay ở trong thơ như có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
(Hồ Chí Minh)
Với hoàn cảnh ấy, nhà thơ phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, là người truyền cảm hứng đến mọi thế hệ để ủng hộ tinh thần và sức mạnh cho Đảng và nhân dân dành lại chính quyền:
“Lấy cán bút làm bàn xoay chế độ
Những vần thơ bom đạn phá cường quyền”
(Sóng Hồng)
Ánh sáng của lý tưởng đã làm thay đổi nhận thức của Tố Hữu. Nhà thơ đã tìm được lẽ sống thiết thực và cao đẹp khi bắt gặp được ánh sáng của Đảng. “Từ ấy” được coi như lời tuyên ngôn của nhà thơ, là một bài thơ thể hiện tình cảm chân thành và vui sướng, lòng say mê mãnh liệt của một người thanh niên yêu nước lần đầu tiên được giác ngộ lý tưởng Cách mạng. Qua dòng chảy cảm xúc của tâm hồn và sự nhiệt huyết của người Cộng sản, nhà thơ đã tìm cho mình niềm vui và sức mạnh ở nhân dân, tự nguyện hóa thân mình vào cuộc sống toàn dân, hóa cái tôi riêng vào cái ta chung để cùng cộng đồng, cùng dân tộc và đặc biệt và những người nghèo khổ đứng lên đấu tranh cho lý tưởng, cho tự do và hòa bình.
Bùi Phương Thảo