Văn mẫu THPT

Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tú Xương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Thương vợ của nhà thơ Trần Tú Xương

Bài làm:

    Khi nhắc đến Tú Xương, có ý kiến cho rằng:” Trong con người nhà thơ của Tú Xương cũng đã hiện lên rất rõ, từ dáng vẻ đến tâm hồn, từ cá tính đến tâm tự, cả nỗi đau đến vẻ đẹp, vừa rất riêng, vừa tiêu biểu cho cả một lớp người, một loại tâm trạng”. Quả thật vậy, với phong cách thơ trào phúng, giọng thơ đả kích sâu sắc, mạnh mẽ , phê phán sắc sảo mà Chế Lan Viên đã phải nói rằng:”Tú Xương cười như mãnh vỡ thủy tinh”, lấy tiếng cười để chế giễu xã hội thực dân phong kiến bất công. Trước cuộc đời và cảnh sống bế tắc trong thế thời không được trọng dụng, nhà thơ như cay đắng đến xé lòng và càng thêm đồng cảm với người vợ của mình. “Thương vợ”là một bài thơ cảm động, trữ tình của Tú Xương, chất chứa bao nỗi niềm của một nhà Nho nghèo về tình đời và tình người sâu nặng.

       Cảnh người, sự đời như chất chứa trong lòng Tú Xương một nỗi buồn nhân thế, buồn chính bản thân và buồn vì xã hội. Ông từng trách bản thân vì nghèo hèn đến nỗi không có tiền để cho một gã ăn mày và những người cùng cảnh ngộ. Trước cảnh thời thế với bao mâu thuẫn đã dồn nén trong lòng Tú Xương một nỗi sầu não trong bất lực. Mang nỗi nhục nô lệ của tri thức, mang sự bi hài của cuộc sống, ông cay cả con mắt, chua chát mà thốt lên:

“Nhân tài đất Bắc kìa ai đó!

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”.

    Đó là xã hội bất công đang hiện hữu trong ông với một sự xót xa đến tột lòng, nhưng ở xã hội dẫu mang nỗi sầu nhân thế với những bi thương đối với người Nho sĩ, cũng không bằng nỗi nhục và sự dày vò bởi sự vô dụng của bản thân, thiếu trách nhiệm, không gánh vác nổi gia đình, ông tự xỉ vả vào sự vô tích và hờ hững của chính ông. Dù là người thông minh, sắc sảo, nổi tiếng về thơ phóng túng nhưng không chịu gò bó và khuôn khổ của trường quy nên tám lần đi thi chỉ đỗ tú tài, cuộc sống lận đận, nhiều bi hài về thời đại. Nên điều đó đã làm ông đồng cảm và càng thương thay cho số phận của vợ ông cùng niềm cảm thương sâu sắc.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

    Hình tượng người phụ nữ vốn là một đề tài quen thuộc của văn chương Việt Nam mọi thời với cách nhìn qua nhiều phương diện để làm rõ vẻ đẹp của họ với những tấm lòng son sắt, tảo tần. Bà Tú tên thật là Phạm Thị Mẫn với một tình yêu thương chồng con thắm thiết, một vẻ đẹp của người đàn bà tháo vát, đã đi vào thơ như một nhân vật điển hình. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu, nghèo đói, một tay vợ ông chăm non cho cả gia đinh đông người nhưng chẳng hề oán thán, trách đời. Với mảng thơ phóng túng nhưng có đan xen đôi nét trữ tình, thơ Tú Xương đã mang đến một dư vị vừa mới vừa lạ trong nền thơ ca trung đại lúc bấy giờ. Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng lại mang nặng cái tôi cá nhân với nỗi buồn của nhà thơ, bài thơ viết ngay khi bà Tú còn sống với cuộc sống hằng ngày vất vả,”quanh năm buôn bán ở mom sông”. Đó là một khoảng thời gian dài, “quanh năm” suốt tháng từ ngày này qua ngày khác, thời gian dài đằng đẵng như gợi nên một sự khó nhọc sớm hôm cùng công việc buôn bán, làm ăn đầu tắt mặt tối. Quy luật thời gian dường như cứ lặp lại từ ngày ngày qua tháng khác, không được nghỉ ngơi. Ở không gian của mỏm đất nhô ra, ba bề bọc sông nước chốn “mom sông” đã diễn tả một sự chênh vênh, bấp bênh trong cuộc sống làm ăn. Hai chữ “mom sông” gợi tả một cuộc đời dãi nắng dầm mưa, cay đắng và vật lộn vật vã để kiếm sống, “nuôi đủ năm con với một chồng”. Nổi bật cả bài thơ là hình ảnh người vợ giàu đức hi sinh, và một người chồng biết cảm thông, chia sẻ với người vợ của mình bằng tình thương và sự quý trọng. Công việc nhọc nhằn nhưng thu nhập thì ít ỏi, đã thế bà Tú lại còn phải lo cho sáu miệng ăn trong nhà. Miếng cơm manh áo đã trở thành gánh nặng trên lưng người phụ nữ ấy, nhưng đối với Tú Xương, ông chỉ bất lực với cuộc sống mà không đỡ đần được gì. Được cái tiếng thơm thật không dễ dàng. “năm con với một chồng” đã là số nhiều. Hơn thế nữa, “một chồng” ấy lại bằng chi phí nuôi cả “năm con”. Mỗi lần lều chõng đi thi, bà Tú đều lo tươm tất những khoản chi phí cho chồng một cách đủ đầy để mong chồng mình đỗ đạt công danh. Nhà thơ đã vận dụng sáng tạo hình ảnh ca dao độc đáo, lời thơ dường như trở nên quen thuộc và có chút tương đồng với hình ảnh ẩn dụ trong ca dao:

Xem thêm:  Cảm nhận về đoạn Chí khí anh hùng trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.

Hay trong lời ru tha thiết có câu:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cảnh mềm lộn cổ xuống ao”

      Hình ảnh về loài chim hiền lành, suốt ngày chăm chỉ kiếm ăn, nhặt nhạnh đồng tiền bên bãi sông đã trở thành hình tượng bất hủ, nó là hình ảnh ẩn dụ cho hình tượng người phụ nữ lam lũ, vì chồng con mà hy sinh bản thân. Đó là đối với ca dao, nhưng khi đến với thơ của Tú Xương, hình ảnh ấy không còn là con cò mà đã trở thành “thân cò”, thể hiện được rõ ràng nét đẹp của người phụ nữ đương thời với những phẩm chất tốt đẹp:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

   Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

phan tích bài tho thuong vọ của nhà tho tràn tú xuong tuyet hay - Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tú Xương tuyệt hay

Phân tích bài thơ Thương vợ

     Người phụ nữ ở mọi thời đại vẫn luôn là những hình mẫu lý tưởng trong thơ ca. Trong dòng thơ đầy cảm hứng này, hình ảnh người đàn bà lam lũ hiện lên như một vẻ đẹp chân chất, mộc mạc, đời thường. Cuộc sống vốn tấp nập, vội vã với những bon chen, xô đẩy. Con người phải “lặn lội” khuya sớm để kiếm được miếng cơm, manh áo trong vất vả, khó nhọc. Đời người ngắn lắm, một mình “thân cò” với dáng người gầy hao, tội nghiệp ẩn dụ cho hình ảnh bà Tú đang bươn chải “khi quãng vắng”. Thân cò lận đận cũng như thân phận đầy thương cảm của người đàn bà luôn sống quên mình. Sáng tinh mơ, hoặc tối mịt mờ, đó là những “quãng vắng” trong ngày hiện lên vẻ heo hút, thưa thớt, vắng vẻ và đầy hiểm nguy, lo sợ. Ấy vậy mà bà Tú vẫn phải rong đuổi với ngày dài, bất chấp hoàn cảnh để chống chọi với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong không gian của “buổi đò đông”, cảnh vật lộn, bon chen càng được dấy lên mạnh mẽ, đó là thời điểm thích hợp nhất để buôn bán khi có nhiều thuyền đò và nhiều người qua lại. Nhưng khác với sự tấp nập ấy, mặt nước lại “eo sèo” như diễn tả một mối lo ngại đối với chủ thể trữ tình.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

“Con ơi nhớ lấy câu này

Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”

    (Ca dao)

    Buổi đò mỗi ngày luôn rình rập những mối nguy hiểm, không chỉ có tiếng nói nhộn nhịp, mà đó còn là những lời phàn nàn qua lại, lời cáu gắt, chen lấn, xô đẩy và gặp nhiều bất trắc. Dù hoàn cảnh như thế, nhưng cuộc sống mưu sinh vốn chẳng dễ dàng. Người đàn bà ấy vẫn thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm bên mình để nuôi gia đình, nuôi chồng con. Hình ảnh bà Tú xuất hiện trong hai câu thơ trên như gợi nên một vẻ đẹp của người phụ nữ thời xưa. Dẫu rằng vất vả, hiểm nguy nhưng họ vẫn can đảm chống chọi với cuộc sống, là người đàn bà tháo vát, tảo tần, giàu đức hy sinh và phẩm chất cao quý.

       Chợ đông người thì vã mồ hôi trong sự mệt nhọc nhưng khi quãng vắng thì trào nước mắt. Với hình ảnh bà Tú trong mắt ông Tú vẫn luôn là hình tượng đẹp của người vợ, người mẹ giàu tình cảm. Đối với bà, dù cuộc sống còn lắm gian khổ, thiếu thốn nhưng trong tâm vẫn không hề có chút phàn nàn, than thở mà đổi lại, đó lại là một thái độ chịu đựng, chấp nhận cuộc sống của người phụ nữ xưa:

  Một duyên hai nợ âu đành phận,

   Năm nắng mười mưa dám quản công.

      Có mgười từng nói, “bài thơ phản ánh chân thực tâm sự và vẻ đẹp nhân cách nhà thơ”. Cảnh đời trớ trêu, Tú Xương bất lực với cuộc sống, nhưng dù vậy, trong ông vẫn luôn có một lòng kính trọng và thương vợ sâu sắc. Ông hiểu và thông cảm cho vợ, hiểu cả nỗi lòng của người đàn bà “năm nắng mười mưa” suốt tháng năm dài để lo chu toàn cho gia đình. Thật là kiên cường nhưng mà tội nghiệp. Bà Tú vốn là con gái một nhà bề thế, được gả cho nhà Nho sĩ nghèo, nhưng dù cảnh đời ra sao, bà vẫn luôn can trường với sức mạnh phi thường. Những số đếm “một”, “hai”, “năm”, “mười” như gợi tả một sự khó khăn, vất vả chồng chất, oằn nặng trên đôi vai người phụ nữ. Qua đó, ta thấy rõ được đức hy sinh cao cả của người mẹ, người bạn đời. Kết thúc hai câu thơ, cũng là lúc ta nhận ra được tấm lòng cam chịu của bà Tú :”âu đành phận”, “dám quản công”. Một thái độ dứt khoát, chấp nhận lẽ đời cay nghiệt, chấp nhận cuộc sống vật vả nhưng đầy hạnh phúc. Cũng không nửa lời oán thán, trách cứ, người phụ nữ Việt đã hiện lên với một hình tượng đáng nể, họ nguyện gánh vác mà không chút mảy may, so đo toan tính.

Xem thêm:  Phân tích phần mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập

      Trong những bài thơ viết về vợ của Tú xương, bao giờ cũng thế, ta luôn bắt gặp hai hình ảnh của hai con người, bà tú hiện lên phía trước, nhưng ẩn sau đó lại là hình ảnh của ông Tú với niềm cảm thương và quý trọng vợ sâu sắc:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

    Dù không nói ra, nhưng dường như tác giả hiểu rõ được lòng vợ mình. Ông đồng cảm sâu sắc với bà nhưng không thể làm gì được. Hai câu kết chính là lời chửi của ông Tú:”cha mẹ thói đời ăn ở bạc”, ông chửi cái xã hội phong kiến bất công, “ăn ở bạc”, ông chửi tập tục lễ giáo hà khắc đã khiến người phụ nữ phải chịu nhiều nỗi vất vả. Chính “thói đời” ấy đã tạo ra người đàn ông “hờ hững” để những người phụ nữ kia có chồng nhưng không được đỡ đần mà trái lại còn là gánh nặng cho người vợ. Đằng sau lời chửi ấy, ông lại tự chửi chính mình “có chồng hờ hững cũng như không”. Nhà thơ tự trách bản thân vô dụng, đã chẳng đỗ đạt lại còn trở thành một anh học trò dài lưng tốn vải, vô tích sự, để làm khổ vợ con. Đó cũng là nỗi lòng xé tâm can của tác giả. Dù vợ ông không hề trách móc, khinh bỉ nhưng lòng ông hiểu rõ được sự đời và hoàn cảnh ngay lúc này. Tế Xương tự chửi, tự nguyền rủa mình nhưng sau tiếng chửi ấy, có lẽ là một nỗi khổ tâm không thể nào làm khác được. Trong lòng ông chất chứa một khối tâm sự chưa được giải tỏa, đó là tâm sự về kiếp người, về những kiếp sống tài cao nhưng thấp hèn, có tài nhưng cũng chỉ là một kẻ ăn bám vợ, trở thành nợ đời của người vợ mà ông hết mực yêu thương.

      Bài thơ “Thương vợ” đã thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật bà Tú với dáng vẻ tần tảo, tháo vát, giàu đức hy sinh cao cả đối với chồng, với con. Phải chăng, đó cũng chính là vẻ đẹp truyền thống của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam xưa nay. Qua những lời thơ với cảm hứng chân thực, Tú Xương đã bộc lộ được tình yêu thương, lòng quý trọng và biết ơn vợ, tri ân người vợ đáng quý của mình. Cùng với những câu từ cô đọng, súc tích, lời thơ mang nhiều lí lẽ, nhà thơ cũng đã bộc lộ được nỗi niềm và nhân cách cao thượng của con người ông, đó là những tình cảm có chiều sâu nhân bản bao trùm cả bài thơ.

Bùi Phương Thảo

Post Comment