Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử
Bài làm
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét:”Trước không có ai, sau không có ai. Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ”. Quả thật vậy, Hàn Mặc Tử chính là một biểu tượng độc đáo của thơ ca thời hiện đại với hồn thơ mãnh liệt, gắn bó tha thiết với cuộc đời quằn quại, đau đớn. Một nhà thơ tài hoa, bạc mệnh đã có nhiều đóng góp cho nên văn chương Việt Nam. Đặc biệt, “Đây thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm tiêu biểu được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương, vô vọng cùng vẻ đẹp thơ mộng, đượm buồn của thôn Vĩ và nỗi cô đơn, bất hạnh của một con người tha thiết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
Bài thơ về xứ Huế mộng mơ là tiếng lòng tha thiết về quê hương, man mác buồn về dòng sông Hương lặng tờ, êm ả. Hòa vào cảm xúc ấy, “Đây thôn Vĩ Dạ”đã bộc tả được những tâm tư, tình cảm xúc nhà thơ với thôn quê yên bình. Mở đầu bài thơ là khúc lòng mang đầy tâm sự, là cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người thắm thiết:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Mở đầu bằng câu hỏi tu từ:”Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, như một lời trách móc nhẹ nhàng, không chút giận hờn, chỉ là lời trách tình tứ, tha thiết của người con gái xứ Huế với chàng trai mà cô thương nhớ. Đó cũng là lời tự hỏi của tác giả, tự trách mình đã lâu rồi không về thăm thôn Vĩ. Dường như, cả câu thơ chính là lời ao ước thầm kín, niềm khao khát mãnh liệt được trở về thôn xưa để ngắm nhìn và hoài niệm về cảnh cũ, người xưa. Điệu nhẹ của thơ đã làm sống dậy cả một kí ức tươi đẹp về cảnh và người nơi đây. Những câu chữ lả lướt, mềm mượt, cảnh thôn Vĩ hiện ra huyền ảo, mơ mộng của buổi sớm mai :”nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” khiến bức tranh thiên nhiên bắt đầu được hé lộ. Điệp từ “nắng” được lặp lại đã nhấn mạnh được ánh sánh của buổi bình mình ban mai thật tươi mới, êm đềm. Hình ảnh những giọt nắng hiện ra tạo nên một không khí ấm áp, rực rỡ, trong lành, tinh khôi. Những tia nắng đầu tiên của buổi sáng sớm hé ra đã gợi nên một vẻ đẹp trong trẻo, tinh khiết. Đó là vẻ đẹp riêng của miền Trung, nắng Huế mộng mơ chiếu rọi trên những hàng cau rực rỡ, mới mẻ. Bức tranh thiên nhiên hiện hữu với một vẻ đẹp bình dị, nhẹ nhàng cùng những màu sắc khác lạ trong cuộc sống.”Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” , từng chữ trong thơ bay bổng, mượt mà đến khác lạ. Đại từ phiếm chỉ “vườn ai”như gợi nên một nỗi niềm bâng khuâng trong lòng thi nhân. Giống như một sự ngỡ ngàng, trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên:”mướt quá”,khi bỗng nhận ra vẻ non tơ, xanh tươi, mượt mà, đầy sức sống của khu vườn. Trước mắt nhà thơ, khu vườn thôn Vĩ hiện lên thật thơ mộng, “xanh như ngọc”. Hình ảnh đó được so sánh thật đẹp. Những cây lá xanh mướt được phủ đầy nắng mới của ánh mặt trời rực rỡ của buổi mai xuyên chiếu qua màu xanh của lá, ánh lên màu “ngọc” tươi tốt, màu mỡ khiến khung cảnh trở nên tuyệt diệu, huyền ảo. Thiên nhiên thôn Vĩ buổi ban mai đã được nhà thơ gợi tả với vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, trong trẻo, tràn trề sức sống khiến bức tranh ấy càng trẻ nên đẹp, say đắm lòng người. Màu sắc của buổi sáng mai nhuốm đầy bức tranh, bỗng thi nhân chấm phá thêm hình ảnh con người:”lá trúc che ngang mặt chữ điền” khiến khung cảnh ấy trở nên có hồn, có đủ dư vị. Sức sông ngập tràn bức tranh, khuôn “mặt chữ điền” xuất hiện đã gợi tả một nét đẹp phúc hậu, thanh tú, là biểu tượng của khuôn mặt hiền lành, trung thực. Hình ảnh thơ được miêu tả theo chiều hướng cách điệu hóa, gợi tả vẻ đẹp con người thật chân thực, đằm thắm mà không chỉ rõ một ai. Câu thơ thật giàu chất tạo hình, sự mảnh mai của “lá trúc che ngang”như gợi đến một nét đẹp kín đáo, dịu dàng của con người đất Huế. Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên đã tạo nên một vẻ đẹp thầm kín, nhẹ nhàng, lịch lãm. Thôn Vĩ buổi ban mai hiện hữu với cảnh sắc đằm thắm, tươi mới và con người phúc hậu đã làm cho mạch thơ trở nên trẻ và mới lạ. Qua đó, người nghệ sĩ cũng thể hiện được tâm trạng yêu thiên nhiên, yêu con người tha thiết cùng nỗi niềm băn khoăn, day dứt trong lòng nhà thơ.
Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Người ta thường nói:”thơ chỉ trào ra khi cảm xúc của anh đã thật ứ đầy”. Khi tâm trạng dồn nén nhiều tâm sự, những lời thơ của thi nhân sẽ càng đậm đà, chân thực:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Thôn Vĩ nằm cạnh dòng sông Hương hiền hòa, xinh đẹp với vẻ đẹp hiện lên bâng khuâng, xao xuyến. Cảnh thiên nhiên chứa đựng nhiều cảm xúc của thi sĩ, và chỉ khi làm thơ, người nghệ nhân ấy mới bộc tỏa được hết nỗi lòng. Cảnh đêm trăng thôn Vĩ và niềm đau cô đơn, chia lìa được kết hợp gợi nên một không gian đượm buồn, ảm đạm. “Gió theo lối gió, mây đường mây”, cảnh vật chia lìa, li tan, thiên nhiên có sự phân hóa rõ rệt và sự chuyển động ngược chiều nhau. Gió mây không chung đường, như nói đến anh đi đường anh, còn em sẽ đi theo con đường của em, hai chúng ta không vướng bận. Đó là nỗi đau khổ của sự chia li đẫm nước mắt và đau đớn. Thiên nhiên như nói thay tâm trạng con người. Hàn Mặc Tử đã dùng chính sự vật đời thường để gợi tả nên nỗi niềm xót xa trong hoài niệm. “Dòng nước buồn thiu” như gợi một vẻ u buồn, một cảm giác mông lung, trôi nổi của con nước. Cảnh vật bỗng trở nên lặng lẽ, vô hồn “hoa bắp lay”, sự lay động nhẹ ấy như gợi lại biết bao cảm xúc của nhà thơ, đó là nỗi buồn xa vắng, biệt li đầy thương cảm. Tác giả đã dùng nghệ thuật nhân hóa để chỉ cái buồn của cảnh và cái buồn trong lòng nhà thơ. Ông u buồn, cô đơn, tuyệt vọng trước sự xa cách và thơ ơ của cuộc đời đối với mình. Như Đại thi hào Nguyễn du từng viết:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”
Thiên nhiên và con người hòa chung một nhịp, khung cảnh trở nên u buồn đến não nùng. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”. Vầng trăng xuất hiện, bút pháp huyền ảo của tác giả đã hóa dòng sông Hương thành sông trăng thơ mộng. Cùng hạt loạt câu hỏi tu từ “thuyền ai?”, “có chở trăng về kịp tối nay?” như chứa ẩn sự day sứt, mong chờ và lo lắng của tâm hồn nhà thơ. Cảnh vẫn đẹp nhưng hắt hiu, buồn bã, cô quạnh. Vẻ đẹp huyền ảo của ánh trẵng, của dòng nươc đã được tác giả thể hiện thật đặc sắc. Đó là vẻ đẹp tiêu biểu của xứ Huế thơ mộng, êm đềm. Trong thâm tâm người nghệ sĩ, hình như đang có điều gì lo lắng, khắc khoải, mong chờ. Không biết có “kịp” hay không? Phải chăng, nhà thơ đang mong chờ con thuyền từ cõi ảo về cõi thựcđể xua đi nỗi buồn và sự cô đơn đang tồn tại trong tâm hồn ông. Chỉ có trăng để làm bạn ngay lúc này, trong không gian hiu hắt, vắng lặng. Hàn Mặc tử như đang nổi lên một khát vọng cao cả, khát khao yêu đương và giao cảm với đời.
“Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt,
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…”
Mấy ai từng say trăng như Hàn Mặc Tử?
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi…"
Thơ Hàn Mặc Tử rợn ngợp ánh trăng: thuyền trăng, bến trăng, sông trăng… cả một trời trăng ảo huyền, thơ mộng. Tình yêu và say trăng thiết tha, ông như sống giữa đời thực và mơ, sống bơ vơ , đơn côi, buồn rượi.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Có thể nói, thơ Hàn Mặc Tử trữ tình, gợi cảm trong điên cuồng, đau thương. Nỗi niềm về thôn Vĩ và những hoài vọng xưa cứ tràn ngập trong tâm trí nhà thơ. “khách đường xa” là chủ thể trữ tình được hồi nhớ khi nhìn lại bức ảnh cô gái Huế trong mơ hồ, cảm xúc đan xen giữa mơ và thực, hy vọng và tuyệt vọng. Điệp từ “khách đường xa” được lặp lại như đang nhấn mạnh nỗi niềm chua xót của nhà thơ. Hình ảnh người con gái hiện lên mỗi lúc một rõ:”áo em trắng quá nhìn không ra”. Màu trắng của sắc áo đã hiện lên một vẻ đẹp trong trắng, ngây thơ của người con gái, đó cũng là màu của tâm tưởng,trắng đến nỗi “nhìn không ra”. Vừa thực vừa mộng, tác giả như mơ hồ, quay cuồng trước những gì hiện hữu trước mắt. Càng ngắm di ảnh người yêu, ông càng thấy tâm trí rối bời, ảo não. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” gợi nên một vẻ đẹp thực, có hình người, dáng người. Hình ảnh cô gái cứ phản phất, lờ mờ trong sương khói. Khiến nhà thơ tự hỏi rằng:”Ai biết tình ai có đậm đà?”. Ý thơ thể hiện một nỗi trông vắng, cô đơn trong tâm hồn thi nhân, ông không biết tình người xứ Huế có đậm đà với mình hay không, họ có hiểu được tình cảm của mình hay không? Đó cũng là hai câu thơ kêt bài và là hai câu hay nhất của cả bài. Nó mang nặng lời tự tình, nỗi chất vấn tâm hồn, câu hỏi mà mãi mãi chẳng có lời giải đáp. Thầm thương trước số mệnh và cuộc đời nhà thơ, một con người luôn sống trong cô đơn nhưng tâm hồn vẫn trong trẻo và yêu đời, yêu người đến lạ thường. Dù cuộc đời đã nhuốm đau thương, bất hạnh nhưng niềm tin và sức sống trong ông mãi mãi tràn đầy. Ở câu cuối bài, tiếng “ai” nổi lên giữa dòng thơ như bộc lộ một niềm day dứt, tâm trạng mơ hồ của nhà thơ Hàn Mặc Tử:
“Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”
“Một nguồn thơ rào rạt và lạnh lùng…”,”vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh”(Hoài Thanh). Bằng những hình ảnh thơ độc đáo,đẹp, gợi cảm, ngôn ngữ trong sáng, tinh tế, giàu liên tưởng. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã được nhà thơ Hàn Mặc Tử gợi lên thật sáng tạo, có sự hòa quyện giữa ảo và thực thật thơ mộng. Đó là bức tranh toàn bích về cảnh vật và con người thôn Vĩ, qua đó tác giả bộc lộ tình yêu với đời, với người cùng niềm ham sống mãnh liệt, tột độ mà đầy uẩn khúc, day dứt của nhà thơ.
Bùi Phương Thảo