Phân tích bài thơ Chiều Tối của Hồ Chí Minh
Bài làm
Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng viết:
“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.”
Giản dị và thực tế như cuộc sống đời thường, thơ văn của Bác đi vào lòng người rất nhẹ nhàng, tình cảm để khi đọc lên những dòng thơ của Người, tâm hồn ta như đọng lại một điều khắc khoải. Nói như Xuân Diệu khi đọc Nhật kí trong tù:”càng đọc càng hay,càng kính trọng người tù Hồ Chí Minh”. Thơ Bác luôn có một nguồn cảm hứng mới mẻ và rất tinh tế, đặc biệt trong 28 chữ của bài thơ “chiều tối” đã ghi lại cảnh xóm núi lúc ngày tàn trên con đường Tĩnh Tây đến Thiên Bảo với cái nhìn man mác và hết sức bình dị, gần gũi của nhà lãnh tụ tài ba, kiệt xuất-Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, mà Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Với phong cách vừa cổ điển, vừa hiện đại, Bác đã có nhiều đóng góp cho nền thơ ca văn chương một công trình tác phẩm đồ sộ. Đó cũng là một cái tên mà cả con dân Việt đều ghi tạc trong tim với lòng kính trọng vô bờ. Dù hoàn cảnh trong lao, hay đang làm cách mạng thì những dòng thơ của Người vẫn luôn sáng và ánh lên một tinh thần lạc quan, yêu đời, một niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Đối với bài thơ "Mộ" ( “Chiều tối”) nằm trong tập “Nhật kí trong tù” đã thể hiện được tinh thần và phong thái cao đẹp của nhà thơ. Xuyên suốt cả bài thơ chỉ có bốn câu viết theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường thi cùng cái nhìn giản đơn, tả lại cảnh núi rừng nơi thôn dã vào lúc chiều tà. Không những thế, đằng sau những câu thơ ấy còn có cả khát vọng tự do cho bản thân và ước mơ quay về quê hương để tiếp tục sứ mệnh làm cách mạng của Người
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
Dịch thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Bài thơ mở đầu bằng bức tranh cảnh xế chiều trên đường Bác bị giải lao. Khung cảnh ấy chợt trở nên đơn sơ, để lại một tiểu họa về cảnh thiên nhiên sơn cước khi về chiều:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây lơ lững giữa tầng không).
Hai câu thơ đầu hiện lên với nét chấm phá nhẹ nhàng của sự vật và thiên nhiên nơi núi rừng hoang dã với hai nét chính là “cánh chim” và “chòm mây”. Hai hình ảnh ấy vừa là ảnh thực, cũng là những chi tiết quen thuộc trong thơ ca thời xưa. Với nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, bút pháp chấm phá, tô điểm, bài thơ đã thể hiện được nét cổ điển đặc trưng bao trùm xuyên suốt toàn bài. Sau một ngay kiếm ăn mệt mỏi, vật vã, cánh chim bay về tổ “tìm chốn ngủ”. Đó chính là dấu hiệu báo hết một ngày, thời điểm của buổi chiều đã dần kết thúc và trở nên tĩnh mịch sắp sửa tối. Phải chăng, đó là cái nhìn cao rộng trong không gian mênh mông của thiên cảnh, qua đó gợi tả lên tư tưởng của nhà thơ “luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”.buổi chiều tà với ánh hoàng hôn ấy dường như ta đã gặp đâu đó trong thơ, giống như Bà huyện Thanh Quan đã từng buồn trước khung cảnh ấy :”chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn”. Cánh chim và “chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” đã miêu tả được thời gian bóng chiều trong sự u hoài, buồn thiu. Cánh chim mệt mỏi, chòm mây cô đơn buồn, lặng lẽ trôi giữa tầng trời vô định. Đó là biện pháp ẩn dụ, nhân hóa của sự vật để nó trở nên sống động, thực tế hơn, cũng có thể nói lên được tâm trạng con người đang mỏi mệt, chơi vơi trong tháng ngày gian khổ. Sự tìm về của cánh chim cũng là sự trôi đi của tầng mây, đó là sự tương phản giữa hai chủ thể sự vật. “ Chim mỏi” còn có chốn rừng để tìm về, còn với tầng mây lại “lơ lững”, trôi vô định, không biết đi về nơi đâu. Hình như, đó là tâm trạng buồn của Bác trước khung cảnh của đất trời bao la, la nỗi buồn và cô đơn trong cảnh xế chiều hiu quạnh. Như Lý Bạch trong bài “Độc toạn Kinh Đình san” đã từng viết:
"Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
(Chim trời bay đi mất
Mây lẻ trôi một mình)"
Khác với các nhà thơ khác, trong thơ cổ,cánh chim thường bay đi vô tận trên bầu trời bao la để đi tìm những cảm xác xa xăm, phiêu dạt, mang chút phóng khoáng. Còn cánh chim trong thơ bác lại hết sức gần gũi, bình yên. Sau ngày dài kiếm ăn tất tưởi, chim chỉ muốn trở về tổ để nghỉ ngơi. Đây chính là vẻ đẹp tâm hồn trong thơ Hồ Chí Minh, là vẻ đẹp của giá trị nhân đạo sâu sắc với tình thương bao la nhân ái của Người đối với cảnh vật. Bác như đồng cảm với cánh chim kia, cũng như đồng cảm với chính mình. Hai câu thơ “Quyện điểu quy lâm” và “cô vân mạn mạn” đã gợi tả một nỗi buồn của sự lẻ loi, đơn chiếc cũng là nỗi buồn của người tù trên đất khách quê người. Trong hai ý thơ trên khi dịch ra nghĩa, người dịch đã dịch không sát bởi lẽ, trong thơ Bác có quá nhiều ẩn ý và sự tài tình khiến người ta không thể khai tỏa được hết ý nghĩa của nó. Nếu như trong phần phiên âm là nỗi buồn sầu tột độ thì ở phần dịch nghĩa chỉ mới khái quát được một phần của cảm xúc đó. Chòm mây trôi nhè nhẹ giữa tầng không như chính tâm hồn người tù chiến sĩ đang ung dung tự tại trong giờ bị giải lao. Ngoại cảnh trời chiều đã được nhà thơ thả hồn vào đó để xua đi cái ú ám, trĩu nặng của khung cảnh lúc chiều tối. Dù cô đơn, buồn đượm trong lòng như tác giat không hề phủ nhận điều đó. Phải chăng, đó chính là “tinh thần thép” trong sự vĩ đại của con người làm cách mạng-Hồ Chí Minh.
Phân tích bài thơ Chiều Tối
Lòng yêu thiên nhiên và muốn hòa mình vào thiên nhiên của Bác đang sống dậy trong từng câu thơ, đó là tâm hồn tao nhã và vẻ đẹp tâm hồn đáng quý trong tâm hồn nhà lãnh tụ tài ba. Từ cái nhìn trìu mến, ấm áp với thiên nhiên và cuộc sống đời thường đã cho ta thấy được khát vọng tự do và ước mong trở về quê hương để hoàn thành sứ mệnh đang vực dậy trong cõi lòng người tù chính trị. Dẫu hoàn cảnh lao tù gian nan, thấm khổ hay sự mệt mỏi, lạc bẫng nơi đất khác thì thường trực trong con người Bác vẫn luôn là phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời. Qua những lời thơ nhẹ nhàng, bình dị đời thường nhưng vẫn thể hiện được phong thái và chí khí của người làm cách mạng. Lời thơ thấm đượm lòng người ấy đã cho ta thêm yêu và kính trọng vị cha già của dân tộc Việt Nam:
"Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ tóc bạc
Mà thơ bay cánh hạc ung dung"
“Trong thơ Bác, trữ tình và tự sự, lãng mạn và hiện thực, cổ động và giáo dục, phản ánh và triết lí… đã kết hợp với nhau chặt chẽ một cách nghệ thuật”(Hoàng Trung Thông). Cảnh chiều tả nơi vùng sơn cước có chút phảng phất buồn trong lòng người, cũng là tâm trạng của người tù trước hoàn cảnh nhưng không hề bi lụy. "Những buổi chiều như vậy, đâu có thiếu trong văn chương cổ kim; nhưng nếu cảnh ấy qua cái nhìn của một Lý Bạch tiêu diêu, một Khuất Nguyên u uất chắc chắn sẽ đầy ảm đạm, thê lương. Còn ở đây, nếu không rõ xuất xứ, nhiều người sẽ lầm tưởng "Mộ" là bài thơ của thời Thịnh Đường"(Nguyễn Đức Hùng). Cảnh chiều gợi lên hiu hắt, có chút văng vẳng và bâng khuâng, cũng có cái gì đó man mác, ảm đạm, thê lương trong lòng người. Nhưng tất cả đều nhanh chóng có sự chuyển biến ở hai câu thơ sau xua đi cái hiu hắt, buồn thiu của khung cảnh chiều tà nơi rừng núi hoang vu:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng).
Hai câu cuối chính là bức tranh sinh hoạt của con người nơi núi rừng sơn cước với những hình ảnh gần gũi, bình dị nơi đây. Ở câu thơ thứ ba :” Cô em xóm núi xay ngô tối” đã gợi tả hình tượng của con người mang nét mộc mạc, đời thường của cuộc sống. Đó là hình ảnh một cô gái nghèo miền núi Trung Hoa đang xay ngô- một công việc mệt nhọc vào lúc chiều tối nơi rừng núi heo hút. Sự xuất hiện của con người nhỏ bé khiến câu thơ trở nên độc đáo và bức tranh ấy cxung đã trở nên hoàn thiện hơn khi bao gồm cả hình tượng “cô em xóm núi”. Qua những hình ảnh đó, dường như có chút gì của sự thua thớt, vắng vẻ khiến ta liên tưởng đến những dòng thơ trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Hình ảnh con người xuất hiện trong khoảng rộng của thiên nhiên núi rừng. Nhưng không giống với Bà huyện Thanh Quan khi tạo dựng hình ảnh con người nhỏ bé trước thiên nhiên, vũ trụ vô tận, bao la. Thì trong bài “chiều tối” lại là hình ảnh con người lao động với sức sống tràn đầy và khỏe khoắn toát lên vẻ đẹp của cô thôn nữ đậm chất xóm núi. Người phụ nữ đã xuất hiện nhiều lần trong thơ ca, văn chương. Hầu hết, họ xuất hiện trong thơ cổ thu đều mang nỗi buồn chia lìa, đau khổ trong thời chiến tranh, sinh li tử biệt, hay giang dở tình duyên. Đến với thơ của Vương Xương Linh đời Đường từng oán rằng:
"Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu."
Dịch thơ
"Cô gái phòng the chửa biết sầu
Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu."
Không giống điều đó, hình ảnh người phụ nữ trong thơ Hồ Chí Minh được gợi tả với một nét đẹp sống động, mạnh mẽ, yêu lao động trong cảnh sinh hoạt của miền núi trên đất Trung Hoa. Hình ảnh cô gái xay ngô trong “chiều tối” toát lên một vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn, đầy sức sống cùng sự trẻ trung của cô gái miền núi. Không bị hòa lẫn bởi cảnh sắc và không gian rừng núi, mà trái lại, cô gái ấy chính là điểm sang của bức tranh miền rừng kia.
Sự chảy trôi của thời gian trong mạch thơ đã mở ra một không gian khác. Hình tượng thơ đang có sự vận động từ tói đến sáng, từ buồn đến vui :”bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” (“xay hết lò than đã rực hồng”). Ở câu cuối, điệp từ “bao túc” được lặp lại đã tạo nên mối liên hoàn, nhịp nhàng vừa là vòng quay của cối xay ngô với động tác uyển chuyển, vừa diễn tả vòng lưu chuyển của thời gian khi chuyển từ tối đến sáng, từ chiều tối bất chợt hiện lên ánh sáng của “lò than đã rực hồng”. Trong câu kết bài, ở cuối dòng bỗng xuất hiện chữ “hồng” như bao quát được vẻ đẹp và sự sinh động trong cả bài thơ. Chữ “hồng” xuất hiện đã xua tan đi cái tối tăm của khung cảnh, đồng thời chấm phá cho bức tranh để nó trở nên đặc sắc, diễm lệ. bong tối đã buông xuống nơi núi rừng, ánh than “hồng xuất hiện như phủ sáng tàn cục của một ngày. Với chữ 'hồng' đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhạc nhằn nữa đâu mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác" (Nguyễn Trung Thông). Có thể nói, đó là hình ảnh đẹp nhất bài thơ, gợi nên sự đầm ấm, hạnh phúc trong ngọn lửa gia đình, ánh lửa hồng gợi nên niềm lạc quan, yêu đời, ngập tràn ánh sáng. Chữ “hồng được đặt cuối bài thơ đã soi rõ vẻ đẹp của toàn bài và đặc biệt là hình ảnh cô thiếu nữ, tỏa ánh sáng và hơi ấm để xua đi vẻ đượm buồn và u ám của cảnh lúc chiều tà. Cảnh chiều tối ở xóm núi còn mang tính ước lệ đặc sắc, mở rộng liên tưởng đến cảm xúc của người nghệ sĩ. Đó cũng là lời tâm sự mang nặng tâm trạng buồn của nhà thơ với nỗi niềm nhớ nhà da diết:
“Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách bước dồn”
(Chiều hôm nhớ nhà)
Bài thơ “chiều tối” đã thành công trong sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn người thi sĩ và người tù chính trị đầy lãng mạn và tài hoa. Đó cũng là những lời tâm sự đầy xúc cảm của người Cộng sản Hồ Chí Minh. Dẫu trong hoàn cảnh tù đày nhưng lời thơ bác vẫn mang đậm phong cách phóng khoáng, yêu đời, lạc quan cùng nỗi niềm và hy vọng về tương lai tươi sáng. Bao trùm và xuyên suốt bài thơ chỉ đơn giản là những hình ảnh về thiên nhiên và con người nơi núi rừng nhưng đã toát lên được vẻ đẹp về phẩm chất và tâm hồn người lãnh tụ yêu nước Hồ Chí Minh.
Bùi Phương Thảo