Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dàn ý và bài làm tham khảo)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Dẫn dắt vào bài: Mùa thu,…
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Nguyễn Khuyến và bài thơ câu cá mùa thu.
2. Thân bài:
a. Hai câu đề
– Hình ảnh: Ao thu – chiếu thuyền câu bé tẹo teo
=> hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống thường ngày.
– Màu sắc “trong veo”: sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu
– Gieo vần ‘eo’: giàu sức gợi tả.
=> Cảnh sắc màu thu ở đồng bằng bắc bộ, rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu.
b. Hai câu thực.
Hình ảnh:
– Sóng biếc: cảm giác những hình ảnh rất nhỏ bé
– Lá vàng: Hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam
– Sự chuyển động:
+ Hơi gợn tí, khẽ đưa vèo ⇒ chuyển động rất nhẹ, không gian tĩnh lặng của mùa thu được tăng dần so với câu trước
Nghệ thuật: Lấy động tả tĩnh.
⇒ Sự cảm nhận sâu sắc và tinh mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, đó chính là “cái hồn dân dã”
c. Hai câu luận
– Cảnh thu đẹp nhưng đượm buồn:
+ Không gian:
Tầng mây lơ lửng: gợi cảm giác thanh nhẹ, quen thuộc gần gũi, yên bình, tĩnh lặng.
+ Hình ảnh:
Trời xanh ngắt: sắc xanh của mùa thu lại được tiếp tục sử dụng, nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ mà xanh thuần một màu trên diện rộng ⇒ đặc trưng của mùa thu.
+ Hình ảnh làng quê được gợi lên với “ngõ trúc quanh co”: hình ảnh quen thuộc
+ Khách vắng teo: Gieo vần “eo” gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng
⇒ Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng
d. Hai câu kết
– Xuất hiện hình ảnh con người câu cá:
+ “ Buông”: Thả ra (thả lỏng)
+ “Lâu chẳng được” : Không câu được cá
⇒ Tư thế thư thái thong thả ngắm cảnh thu, đem câu cá như một thú vui làm thư thái tâm hồn ⇒ sự hòa hợp với thiên nhiên của con người
– Câu cuối xuất hiện tiếng động và hình ảnh mới.
+ Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” → sự chăm chú quan sát của nhà thơ trong không gian yên tĩnh của mùa thu,
⇒ nghệ thuật lấy “động” tả “tĩnh
e. Tổng kết
– Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công
– Cách gieo vẫn “eo” và sử dụng từ láy tài tình,…
3. Kết bài
Cảm nghĩ về bài thơ
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu
Bài làm tham khảo
Mùa thu – một mùa đẹp trong vòng tuần hoàn của thời gian trôi chảy: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mùa thu với vòm trời cao trong xanh vời vợi, vắt ngang vài dải mây trắng lơ lửng trôi. Thật vậy, khung cảnh mùa thu đã lọt vào con mắt nghệ thuật của không ít nhà thơ, nhà văn. Viết về đề tài mùa thu, ta đã từng bắt gặp không ít nhà thơ nổi tiếng trong đó phải kể đến Xuân Diệu với Đây mùa thu tới, Lưu Trọng Lư với Tiếng thu và không thể không kể đến Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Trong đó Thu điếu là bài thơ "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.
Thu điếu viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật cổ điển của thơ đường. Dưới ngòi bút tinh tế của Nguyễn Khuyến cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời.
Mở đầu bức tranh thu của mình, Nguyễn Khuyến đã tái hiện lại hình ảnh làng quê Việt Nam yên ả, thanh bình đưới góc độ của một người câu cá:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo.”
Một không gian nhỏ hẹp của ao thu, hình ảnh gần gũi hằng ngày nhưng lại chứa đựng cả một trời thu. Nước ao “trong veo” toả hơi thu “lạnh lẽo”. Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ – “bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Với các từ ngữ: “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, và cả sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng lại, một nét thu êm đềm, trong trẻo. Đúng như Xuân Diệu từng nhận xét: “…Thu điếu (Câu cá mùa thu) là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.
Tiếp đến hai câu thực:
“Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”
Với “gió thu” tác giả không miêu tả trực tiếp mà sử dụng bút pháp cổ điển “vẽ mây nảy trăng”. Tả sóng nước “gợn tí”, tả lá vàng “khẽ đưa vèo” chính là nhà thơ đang họa nên gió. Nhà thơ đã dùng cái động của lá vàng để miêu tả cái tĩnh lặng của làng quê Việt Nam. Màu biếc của sóng hòa hợp với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê giản dị mà lộng lẫy. Chữ vèo là một từ ngữ mà sau này thi sĩ Tản Đà hết lời ca ngợi. Ông thổ lộ một đời thơ mới có được một câu vừa ý: “Vèo trông lá rụng đầy sân.”
Không gian được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
Không một bóng người lại qua trên con đường làng đi về các ngõ xóm: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Vắng lặng, im ắng một cách lạ thường, im ắng đến giật mình. Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn hiu hắt. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước Ao thu lạnh lẽo đến chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc đến lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc… đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh thoáng chút buồn man mác nhưng gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam.
Sang đến câu kết, bức tranh thu của làng cảnh Việt Nam mới xuất hiện một hình ảnh mới – đó là hình ảnh người câu cá.
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Tư thế của người câu cá là tư thế tựa gối ôm cần. Một sự đợi chờ: lâu chẳng được. Một cái chợt tỉnh khi mơ hồ nghe cá đâu đớp động dưới chân bèo. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu, mang dáng dấp của những người vui thú khi về ở ẩn, sống một cuộc sống đạm bạc.
Thu điếu đặc trưng cho mùa thu làng cảnh Việt Nam, bài thơ còn là tình cảm, là cảm xúc của nhà thơ trước thiên nhiên đẩ nước. Với “Thu điếu” – Nguyễn Khuyến đã tạo nên cho mình một chỗ đứng quan trọng trong nền thơ ca trung đại Việt Nam nói chung, tạo ra điểm khác biệt rất lớn so với các nhà thơ viết cùng đề tài. Hơn cả một bức tranh mùa thu “Thu điếu” là cả một tình thu.
Đỗ Thị Thu Trang
Lớp 11A6 – Trường THPT Nghĩa Dân, Kim Động, Hưng Yên