Kể về buổi biểu diễn nghệ thuật lớp 3 hay ngắn gọn

Mọi người ai cũng từng được đi hoặc tham gia một buổi biểu diễn nghệ thuật. Đó có thể là một vở kịch, một vở tuồng, là một buổi hòa nhạc hay một buổi múa rối, … Tất cả những hoạt động ấy đều được gọi là biểu diễn nghệ thuật. Hẳn là bạn đã được thưởng thức những tiết mục ấy ít nhất một lần? Buổi biểu diễn nào làm cho bạn cảm thấy thích thú và ấn tượng nhất? Hãy kể lại điều đó với mọi người qua đề bài văn kể về một buổi biểu diễn nghệ thuật. Để làm được đề bài miêu tả, cần chú ý trả lời những câu hỏi: Buổi biểu diễn diễn ra khi nào? Tại sao bạn được tham gia buổi biểu diễn đó? Buổi biểu diễn diễn ra như thế nào (mở đầu, các hoạt động được thực hiện, người tham gia, và kết thúc)? Cảm xúc và suy nghĩ của em về buổi biểu diễn đó ra sao? Kể theo những cảm nhận chân thực và sử dụng những câu so sánh nhé! Sau đây sẽ là những bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo trước khi đặt bút viết. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ MỘT BUỔI BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT

Em lớn lên ở nông thôn nên rất ít khi có những buổi biểu diễn nghệ thuật ở đây. Thỉnh thoảng, có những đoàn xiếc về để biểu diễn miễn phí cho chúng em. Buổi biểu diễn ghi dấu ấn sâu đậm với em chính là buổi biểu diễn múa rối nước của một đoàn từ Hà Nội về. Nghe tin có đoàn múa rối về, chúng em đã háo hức, tụ tập đông đủ ở chùa từ chiều để chào đón. Sân khấu của buổi biểu diễn là ở sân chùa làng, có những phông bạt dựng lên với nhiều màu sắc và hình ảnh ngộ nghĩnh. Ở phía trước là một chiếc hồ nhỏ đầy nước. Nhìn sân khấu, chúng em đã không khỏi tò mò và phấn khích. Sau lời giới thiệu rất dịu dàng và ngọt ngào của chị dẫn chương trình, tiếng nhạc bắt đầu nổi lên. Rồi từ trong nước, có những hình thù xuất hiện. Những con rối được làm từ gỗ rất điêu luyện, trông như người thật thu nhỏ lại vậy. Đó là cô Tấm, là mụ dì ghẻ, có Cám, vua và bao nhiêu người hầu xung quanh. Những con rối giơ tay, đi lại trên mặt nước và cũng nói tiếng người. Mặt nước luôn động đậy với tiếng nhạc, tiếng nói thật sôi động biết bao. Lũ trẻ chúng em ngồi im thin thít để xem, thỉnh thoảng lại cười phá lên hay lo lắng, thấp thỏm cho cô Tấm. Rồi tiếng trống điểm kết vở kịch, các nhân vật biến mất và những người nghệ sĩ sau cánh gà đi ra. Họ phát kẹo cho chúng em và còn cười rất tươi. Chúng em thích thú nhận kẹo và cảm ơn. Trên đường về, đứa nào cũng tươi cười nói về buổi mùa rối, trong lòng vẫn còn tiếc nuối. Mong rằng em sẽ được xem nhiều buổi biểu diễn như thế nữa.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ BUỔI BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT.

Tối chủ nhật vừa qua, em được bố mẹ cho đi xem buổi biểu ca nhạc tại sân khấu của Nhà văn hoá Thanh Niên. Đây là buổi biểu diễn để quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng được mời đến, nhưng em thích nhất là ca sĩ Quang Linh với bài hát “Thương về miền Trung”. Chú xuất hiện trên sân khấu trong bộ vest sẫm màu. Chú cúi đầu chào khán giả trong những tiếng vỗ tay chào đón. Sau lời tâm tình chia sẻ nỗi xót thương trước hoạn nạn của đồng bài miền Trung, trong đó có quê hương Thừa Thiên – Huế của mình, chú bắt đầu cất tiếng hát. Tiếng hát ngọt ngào của chú Quang Linh làm mọi người lặng đi vì xúc động. Cảnh tượng đau thương như hiện ra trước mắt. Những xóm làng ngập trong biển nước mênh mông. Những đoàn người tất tả chạy lũ, để lại sau lưng mảnh vườn và ngôi nhà thân yêu. Xung quanh em có nhiều tiếng nức nở, các cô, các bà đang cố kìm nén giọt nước mắt chực trào trên má. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. Em nghĩ rằng với bài hát này, chú Quang Linh đã khoi dậy tình đồng bào thắm thiết bên trong mỗi chúng ta. Vì thế em càng yêu quý chú hơn.

Xem thêm:  Kể về bà nội của em lớp 3

Nguồn Internet