Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Chiếc áo len – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Chiếc áo len – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn

Chiếc áo len

1.Năm nay, mùa đông đến sớm. Gió thổi từng cơn lạnh buốt. Đã hơn một tuần nay, Lan thấy Hoà có chiếc áo len màu vàng thật đẹp. Áo có dây kéo ở giữa, lại có cả mũ để đội khi có gió lạnh hoặc mưa lất phất. Lan

đã mặc thử, ấm ơi là ấm. Đêm ấy, em nói với mẹ là em muốn có một chiếc áo len như của bạn Hoà.

2. Mẹ đang định mua áo ấm cho hai anh em Tuấn, Lan. Thấy con gái nói vậy, mẹ bối rối:

– Cái áo của Hoà đắt bằng tiền cả hai cái áo của anh em con đấy.

Lan phụng phịu:

– Nhưng con chỉ muốn một chiếc áo như thế thôi.

Dỗi mẹ, Lan đi nằm ngay. Em vờ ngủ.

3. Một lúc lâu, bỗng em nghe thấy tiếng anh Tuấn thì thào với mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ dành hết tiền mua cái áo ấy cho em Lan đi. Con không cần thêm áo đâu.

Giọng mẹ trầm xuống:

– Năm nay trời lạnh lắm. Không có áo ấm, con sẽ ốm mất.

– Con khoẻ lắm, mẹ ạ. Con sẽ mặc thêm nhiều áo cũ ở bên trong.

Tiếng mẹ âu yếm:

– Để mẹ nghĩ đã. Con đi ngủ đi.

4. Nằm cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp, Lan ân hận quá. Em muốn ngồi dậy xin lỗi mẹ và anh, nhưng lại xấu hổ vì mình đã vờ ngủ.

Áp mặt xuống gối, em mong trời mau sáng để nói với mẹ: “Con không thích chiếc áo ấy nữa. Mẹ hãy để tiền mua áo ấm cho cả hai anh em”.

Theo Từ Nguyên Thạch

Cách đọc

Đọc với giọng kể chuyện, nhẹ nhàng, chậm rãi. Chú ý những từ ngữ tả hành động, tâm trạng, suy nghĩ của bé Lan, cần đọc thật chậm, diễn cảm để người nghe hình dung cụ thể, đồng thời cảm nhận được ý vị sâu xa của câu chuyện. Giọng Lan nũng nịu. Giọng Tuấn thì thào nhưng mạnh mẽ, thuyết phục. Giọng mẹ lúc bối rối, khi cảm động, âu yếm.

Xem thêm:  Tả cây hoa sứ – văn lớp 3

Gợi ý cảm thụ

Ai cũng thích có quần áo đẹp, em bé nào cũng thích được xúng xính diện quần áo mới và đẹp để khoe với bạn bè. Bé Lan trong truyện Chiếc áo len cũng vậy, em thấy bạn Hoà có chiếc áo len màu vàng “có dây kéo ở giữa, lại có cả mũ để đội khi có gió lạnh hoặc mưa lất phất”, “ấm ơi là ấm”. Em nói với mẹ là em muốn có một chiếc áo len như thế.

Người mẹ yêu con nhưng cũng không thể chiều theo ý thích của cô con gái, vì mẹ phải để tiền mua áo cho cả hai anh em. Mẹ lo lắng khi mùa đông năm nay lạnh hơn, rét hơn, nếu không mua áo cho Tuấn, mà chỉ mua áo cho Lan thì Tuấn sẽ ốm mất. Mẹ “bối rối” trước ý thích của Lan, và “giọng mẹ trầm xuống” trước lời đề nghị rất dứt khoát của Tuấn: “Mẹ ơi, mẹ dành hết tiền mua cái áo ấy cho em Lan đi. Con không cần thêm áo đâu”. Mẹ luôn lo lắng, chăm chút cho các con và rất công bằng. Những lời nói của Tuấn đã động viên mẹ nhiều, mẹ cũng yên tâm hơn dù mẹ nói: “Để mẹ nghĩ đã”. Hình ảnh người mẹ trong những đoạn đầu của truyện thật hiền hậu, mẹ thương con hết mực, mẹ luôn nói với con bằng những câu nói nhẹ nhàng, âu yếm. Để diễn tả tâm trạng của mẹ, tình yêu của mẹ dành cho con, tác giả đã sử dụng những từ láy có giá trị biểu cảm cao như: “bối rối”, “âu yếm”. Tác giả hai lần tả giọng nói của mẹ, lúc thì “trầm xuống” vì lo lắng, khi thì “âu yếm” vì vui, xúc động trước những lời nói rất ngoan, trước tình cảm của đứa con trai bé bỏng nhưng rất ra dáng người anh trai, độ lượng, biết nhường nhịn em.

Nhân vật Tuấn là một cậu bé ngoan ngoãn, đáng yêu. Tuấn biết thương mẹ, nhường nhịn, lo cho em. Những lời nói của Tuấn vừa giản dị, dứt khoát vừa chững chạc và dễ thương, dễ mến:

-Mẹ ơi, mẹ dành hết tiền mua cái áo ấy cho em Lan đi. Con không cần thêm áo đâu.

-Con khoẻ lắm, mẹ ạ. Con sẽ mặc thêm nhiều áo cũ ở bên trong.

Em bé gái thường thích điệu đà, cần phải mặc đẹp. Là anh trai, Tuấn có thể ăn mặc đơn giản hơn một chút cũng không sao, và nếu rét, em sẽ mặc nhiều áo cũ vào là đủ ấm. Bậc cha mẹ nào cũng sẽ thật ấm lòng khi nghe con cái nói những câu đầy tình yêu thương như vậy. Tuấn còn nhỏ mà đã biết nhường nhịn em, biết lo nghĩ, biết thương bố mẹ, thật đáng quý biết bao!

Về em bé Lan, cũng vì là bé gái, Lan thích có một cái áo đẹp, chỉ là một cái áo len giống như bạn Hoà thôi. Mẹ nói vậy nghĩa là mẹ không thể mua cái áo đắt tiền đó cho Lan. Lan dỗi mẹ, đi nằm, vờ ngủ. Em còn bé, chưa suy nghĩ thấu đáo, chỉ thích làm theo ý mình, muốn gì là phải được ngay. Nhưng Lan vẫn là em bé ngoan, nằm trong chăn ấm, Lan nghe thấy cuộc nói chuyện của mẹ và anh. Suy nghĩ, lời nói, tấm lòng của mẹ và anh đủ để bé Lan nhận ra lỗi của mình. Chỉ trong hai câu văn, tác giả đã dùng một loạt các từ để miêu tả tâm trạng của Lan: ân hận, xấu hổ, muốn xin lỗi mẹ và anh. Cô bé đã vô tình làm cho mẹ phải suy nghĩ, anh Tuấn phải xin mẹ nhịn mặc để nhường em. Lan đã làm mẹ buồn, Lan thấy mình ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến điều mình thích, không biết nghĩ đến anh, cho dù anh đã yêu thương, nhường nhịn mình biết bao. Cả mẹ và anh đều không trách mắng gì Lan, nhưng em đã tự nhận ra lỗi của mình. Có lẽ từ khi ấy đến lúc trời sáng, Lan sẽ chẳng thể nào ngủ được. Càng thương mẹ, thương anh, cô bé sẽ càng thấy mình có lỗi biết bao. Chi tiết “em mong trời mau sáng” đã chứng tỏ Lan muốn sửa chữa ngay khuyết điểm để mẹ và anh không phải phiền lòng vì mình nữa. Thật vui biết bao khi cả hai anh em sẽ cùng có áo mới, cùng mặc áo ấm trong những ngày đông giá rét. Đâu cần phải là áo thật đẹp, thật diện, thật đắt tiễn như của bạn Hoà cơ chứ? Điều quan trọng nhất trong gia đình là anh em phải biết yêu thương, lo lắng và nhường nhịn lẫn nhau. Mẹ của Lan và Tuấn là người mẹ hạnh phúc vì có những đứa con ngoan, biết thương mẹ, biết yêu thương nhau.

Xem thêm:  Viết về một người hàng xóm của em

Câu chuyện nhắc chúng ta phải biết nghĩ đến và quan tâm đến mọi người trong gia đình. Chỉ có yêu thương mới làm cho mùa đông không còn lạnh giá nữa! Lại nhớ câu chuyện về Lê-nin thời còn là cậu bé học sinh tiểu học đã từng phát biểu trước lớp rằng: “Em thích mùa đông ở nước Nga, vì mùa đông lạnh giá sẽ làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn”.

XEM THÊM BÀI 5: CÔ GIÁO TÍ HON – TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Theo Soanbaihay.com