Hai sản vật tượng trưng trời, đất – Truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy Ngữ Văn 6
Hướng dẫn
Hai sản vật tượng trưng Trời, Đất
Hằng năm, mỗi độ xuân về, nhân dân Việt Nam chúng ta lại nô nức, vui vẻ chuẩn bị lá dong, xay đỗ, mua thịt, giã gạo, gói bánh. Nơi này làm bánh giầy, làng nọ gói bánh chưng. Có chỗ làm cả bánh chưng, bánh giầy để cúng tổ tiên, tế lễ trời đất, vừa đón xuân vừa cầu mong sang năm mới nhà nhà được no ấm, người người được khoẻ mạnh,… Quang cảnh ấy thường nhắc nhở mọi người nhớ lại rồi kể cho nhau nghe truyện Bánh chưng, bánh giầy. Đây là một truyền thuyết xuất hiện từ thời Hùng Vương xa xưa. Sáng tạo truyền thuyết này, cha ông ta muốn giải thích phong tục làm bánh chưng, bánh giầy trong ngày Tết – một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá dân tộc, đồng thời nhắc nhở con cháu hãy luôn thờ kính Trời Đất, tôn quý Tổ Tiên, coi trọng tài năng, phẩm chất người nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn minh nông nghiệp của Việt Nam.
Nghe kể lại, hoặc đọc trên văn bản về truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy, chúng ta thấy nổi bật lên ba đoạn, mỗi đoạn toát ra một ý nghĩa.
1. Đoạn 1. Từ đầu đến “chứng giám” – Bài toán khó giải: vua Hùng chọn người nối ngôi
Hoàn cảnh diễn ra cuộc lựa chọn ấy là: giặc ngoài đã yên, nhiệm vụ quan trọng bây giờ là “nhân dân no ấm” để đất nước được thanh bình, phát triển. Vua đã già yếu, cần người nối ngôi. Ngai vàng chỉ có một, trong khi vua có những hai mươi người con trai, biết chọn ai bây giờ. Điều đặc biệt là người kế vị vua không nhất thiết phải là con trưởng mà là người tài đức, hơn tất cả mười chín người kia. Thật là một “bài toán” khó giải. Từ bài toán của mình, nhà vua đã đặt ra bài toán, lời đố cho các con.
Người truyền rằng: “… người nối ngôi ta phải nối được chí ta… nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiện vương chứng giám”.
Như vậy, nhà vua đã đặt ra hai yêu cầu để thử thách trí tuệ, tâm hồn, tài năng, hành động của các con. “Ai nối được chí ta… làm vừa ý ta”, nghĩa là phải có chí lớn, phải quyết tâm thực hiện mong muốn dân giàu nước mạnh. “Nhân lễ Tiên vương… có Tiên vương chứng giám”, nghĩa là người được lên làm vua phải biết tôn kính tổ tiên, biết tôn trọng cha mẹ, quý trọng nhân dân, có đạo đức,… Trong truyện cổ dân gian nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới thường có những tình huống mang tính chất những “câu đố”. Điều vua Hùng đòi hỏi các hoàng tử đúng là một “câu đố”, một “bài toán” không dễ gì giải được.
2. Đoạn 2. Từ “Các lang ai cũng muốn…” đến “… hình tròn”: chàng Lang Liêu chăm chỉ, thông minh
Về cảnh ngộ, Lang Liêu là “người buồn nhất”. Chàng là con thứ mười tám, thuộc hàng em áp chót. Sớm mồ côi mẹ, so với anh em, “chàng thiệt thòi nhất”.
Nhưng Lang Liêu lại là người có phẩm chất tốt. Từ khi lớn lên, ra ở riêng, chàng chăm lo việc đồng áng, trồng lúa trồng khoai. Tuy là con vua, là hoàng tử, nhưng Lang Liêu sống gắn bó với ruộng đồng, gần gũi nhân dân, mang bản chất của người lao động. Sản phẩm, kho báu của chàng chỉ là khoai, lúa đầy nhà. Chính những hạt lúa, củ khoai ấy đã thấm mồ hôi, công sức và cả trí tuệ của chàng, góp phần tạo nên cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho bản thân và gia đình chàng. Song, so với những vật quý trên rừng, dưới biển mà những anh em chàng đi tìm để dâng vua cha, thì “khoai, lúa tầm thường quá”. Trước “bài toán” của vua cha, Lang Liêu nhiều đêm thao thức và đầy những âu lo.
Và giữa một đêm thao thức, Lang Liêu đã gặp thần, được thần giúp đỡ. Vì sao Lang Liêu được thần giúp? Phải chăng vì chàng là một người “thiệt thòi nhất” nhưng chăm chỉ, sống gần nhân dân nhất. Thần không hướng dẫn cụ thể, mà chỉ gợi ý bóng bẩy, sâu xa: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người… Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được… Hãy lấy gạo làm bánh…”. Phải chăng, đối với Lang Liêu, đây lại là một câu đố, một “bài toán” thứ hai. Bài toán thứ nhất của vua cha – đã khó. Bài toán này là của thần nêu ra, càng khó hơn. Thần là ai vậy? Đây chính là biểu tượng cho tinh khí của trời đất, là trí tuệ của nhân dân và cũng một phần là những tiềm thức, những nghĩ suy sâu lắng của chính Lang Liêu. Nếu không phải là người từng trải qua biết bao mưa nắng, từng đổ biết bao mồ hôi, công sức trên những ruộng đồng hôm sớm để làm ra hạt lúa, củ khoai thì ai có thể thấm thìa được vẻ đẹp, lợi ích, vai trò cùa lúa gạo đối với con người như lời thần nói với Lang Liêu? Với Lang Liêu, “bài toán” của thần từ bên ngoài dội vào, cũng là tiếng nói từ trong trí tuệ, trái tim, từ máu thịt chàng cất lên. Do đó, chàng đã mau chóng hiểu được ý thần: “Càng ngẫm nghĩ, chàng càng thấy lời thần nói đúng”. Hiểu ý thần, Lang Liêu làm theo, nhưng không máy móc, mà thật thông minh, sáng tạo. Thần chỉ nói “lấy gạo mà làm bánh” ngắn gọn thế thôi. Vậy mà Lang Liêu đã nhanh chóng giải được “bài toán” của thần. “Chàng bèn chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Để đổi vị, đổi kiểu, cũng thứ gạo nếp ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn”. Từ một dữ kiện “lấy gạo làm bánh”, Lang Liêu đã thực hiện bằng biết bao động tác, kết hợp biết bao nguyên liệu để tạo ra một đáp số tuyệt vời là hai thứ bánh có hình hài khác nhau, màu sắc khác nhau, hương vị khác nhau… Thông minh quá, tài hoa quá!
3. Đoạn 3. Phần cuối của truyền thuyết: Bánh chưng, bánh giầy được tôn vinh – chàng Lang Liêu… đoạt giải
Trong ngày lễ Tiên vương, sản phẩm của Lang Liêu đã làm đẹp lòng vua cha, vừa ý quần thần. Khi ăn bánh, “ai cũng tấm tắc khen ngon”, ngon và độc đáo hơn tất cả các sơn hào, hải vị, nem công chả phượng của các lang khác. “Bánh hình tròn là tượng Trời ta đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất… ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp với ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta…”. Lời nhận xét, cũng là những suy ngẫm của đức vua khi thưởng thức sản vật do Lang Liêu dâng lên thật chí lí, vừa sâu sắc vừa rộng mở đã khẳng định tấm lòng, trí tuệ và bàn tay khéo léo, sáng tạo của người con chăm chỉ, thông minh. Đó cũng là lời tôn vinh vị ngon dẻo, thơm bùi và ý nghĩa lớn lao của bánh chưng, bánh giầy – sản vật đậm hương vị Việt Nam, mang bản sắc của văn hoá nông nghiệp Việt Nam. “Bài toán” của vua Hùng đã được giải một cách trọn vẹn, tuyệt vời. Bánh chưng, bánh giầy đã đoạt giải nhất, chàng Lang Liêu – tác giả của hai thứ bánh – xứng đáng được lên ngôi vua trị vì đất nước, dẫn dắt, dạy bảo muôn dân. Lời phán truyền của đức vua – cũng chính là ý nguyện của nhân dân tôn vinh bánh chưng, bánh giầy đẹp như những bài ca, ca ngợi lao động, ca ngợi nghề nông và giá trị của văn minh nông nghiệp Việt Nam. Khen, rồi ban tặng ngôi báu cho Lang Liêu, vua Hùng đã thay mặt nhân dân để cao một người con con hiếu thảo, biết tôn kính tổ tiên, biết lắng nghe lời thần linh dạy bảo,… Lang Liêu là biểu tượng của người anh hùng văn hoá mở đầu cho những anh hùng Việt Nam trên đồng ruộng, xóm làng Việt Nam!
Tóm lại, truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy vừa giải thích nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy, vừa phản ánh thành tựu văn minh nông nghiệp ở buổi đầu dựng nước với thái độ đề cao lao động, đề cao nghề nông, và thể hiện tấm lòng tôn kính Trời – Đất – Tổ tiên của nhân dân ta. Truyện tuy ít yếu tố kì ảo nhưng vẫn hấp dẫn bởi nhiều chi tiết nghệ thuật tiêu biểu cho truyện dân gian: nhân vật chính Lang Liêu trải qua cuộc thi tài, được thần giúp đỡ và được nối ngôi vua. Nghe kể, hay đọc văn bản của truyện, trong chúng ta như cứ ngân nga đoạn cuối – lời vua Hùng khen hai loại bánh “Bánh hình tròn là tượng Trời… Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài… Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau…”. Đáng yêu làm sao, đáng thưởng thức, đáng trân trọng và tự hào làm sao bánh chưng, bánh giầy – thứ bánh tượng Trời, tượng Đất, biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Khi đón xuân, hoặc mỗi khi được ăn bánh chưng, bánh giầy, bạn hãy nhớ tới truyền thuyết về hai loại bánh này, sẽ thấy bánh ngon dẻo, thơm, bùi, dịu ngọt lên gấp bội phần.
Xem thêm hướng dẫn phân tích Truyền thuyết con rồng cháu tiên Ngữ Văn 6 tại đây.
Theo Soanbaihay.com
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Top 9 bài văn mẫu Kể về anh trai của em lớp 6 hay nhất
Hướng dẫn làm bài văn kể về anh trai của em lớp 6 hay nhất, [...]
Th12
Dàn ý tả giờ chào cờ ở trường em chi tiết đầy đủ
” Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ai đến trường cũng đều mang [...]
Th12
Dàn ý Kể về 1 cuộc gặp gỡ chi tiết, đầy đủ
Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người. Có những [...]
Th12
Dàn ý kể chuyện tưởng tượng biến thành con vật chi tiết đầy đủ – Biến thành con mèo
Chắc hẳn từ thời tuổi thơ đến khi lớn lên ai trong chúng ta cũng [...]
Th12
Dàn ý tả khu vườn vào buổi sáng đẹp trời lớp 6
Một ngày mới đã đến có nghĩa là ta đã đi qua thời khắc của [...]
Th12
Dàn ý tả về ngôi nhà của em chi tiết đầy đủ
Ngôi nhà là bến dừng chân của mỗi người trước dòng đời xuôi ngược ngoài [...]
Th12