Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
Bài làm
Trong dòng văn học thời kỳ trung đại Việt Nam đề tài viết về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến tuy không chiếm vị trí lớn nhưng lại vô cùng quan trọng vì nó đề cập đến dấu ấn hiện thực của thời đại, hơn thế nữa những câu chuyện được phản ánh cũng hết sức thiết thực, mang ý nghĩa xã hội vô cùng rộng lớn và tích cực. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm tiêu biểu thuộc thể tài này. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Vũ Nương cũng là nhân vật trung tâm, nhân vật tư tưởng của tác phẩm.
Câu chuyện của Nguyễn Dữ đặc biệt ở chỗ miêu tả một cảnh đời, một số phận, một cuộc đời hết sức nhân gian nhưng vẫn đưa những tình tiết hoang đường, tưởng tượng kỳ ảo vào. Nhưng suy xét cho cùng, mạch truyện cũng không vì thế mà bị rối, ngược lại lại tăng giá trị kịch, đẩy cốt truyện thêm những đoạn cao trào khiến cho câu truyện thêm phần hấp dẫn.
Viết về đề tài phụ nữ trong xã hội phong kiến không có nhiều tác phẩm bởi nó đi ngược lại với xã hội, với những quy chuẩn đạo đức của thời đại. Ở cái xã hội mà tư tưởng nam quyền rồi “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy người đàn ông đứng trên tất cả trong xã hội, người đàn ông có quyền hành tối thượng trong gia đình, họ có quyền tư do trong cuộc sống, trong ngôn nhân, chuyện năm thê bảy thiếp là lẽ thường. Có quyền uy như vậy mà họ lại có những tác phẩm nêu cao tinh thần nữ quyền thì chẳng khác nào họ tự đẩy họ xuống mà nâng tầm người phụ nữ lên. Lề thói phong kiến ngấm sâu vào máu họ, những người đàn ông họ có chính kiến, nhưng lại là chính kiến bảo thủ vô cùng. Rất hiếm có nhà văn, nhà thơ nào mạnh dạn lên tiếng nói đòi quyền bình đẳng giới như Nguyễn Dữ, những trường hợp như Nguyễn Dữ là đáng quý vô cùng. Viết về Vũ Nương là ông viết về một hình ảnh tiêu biểu đại diện cho số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Mở đầu câu chuyện, Nguyễn Dữ có đôi lời miêu tả về nhân vật của mình: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương. Người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Nói đến đây có thể thấy Vũ Nương là người con gái tốt thế nào. Nhưng đặt vào hoàn cảnh, bối cảnh của xã hội đó, những người con gái như Vũ Nương có rất nhiều. Những người con gái ấy sống trong xã hội ấy, với cái lề thói đạo đức bó buộc họ từ khi lọt lòng, tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” luôn phải hướng tới, lại thêm đạo tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” luôn phải khắc ghi. Cái xã hội ấy mặc định người đàn ông có quyền có thế và người phụ nữ lấy lẽ hy sinh là chuyện thường. Vũ Nương cũng vậy, lấy chồng theo chồng nhưng phận nhà nghèo lấy chồng nhà giàu còn khổ hơn nữa. Gấm vóc lụa là hưởng thụ đâu chẳng thấy, bên ngoài thì như “chuột sa chĩnh gạo” mà bên trong ái thấu cái nỗi sống phải lựa chồng vì chồng vốn tính đa nghi. Vũ Nương không bao giờ để gia đình nên nỗi thất hòa.
Vũ Nương một lòng một dạ với chồng, khi chồng phải tòng quân đi lính, nàng muôn phần lo lắng cho sự an nguy của chồng, chẳng cần chồng áo gấm vinh quy, nàng chỉ cầu mong sự bình an đến với chồng, chỉ mong sự đoàn viên về với gia đình: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Ngày đêm thương nhớ, lo lắng cho sự an nguy của chồng mình.
Chồng đi lính chiến ở biên ải xa xôi, ở nhà nàng một mình lo toan sau trước, chăm mẹ chồng, nuôi con nhỏ, không bao giờ để điều tiếng gì, mẹ chồng nàng cũng vô cùng thấu tấm chân tình của nàng dâu, những lời cuối cùng của bà cũng là sự chúc phúc cho nàng dâu thảo.
Chăm sóc con, thương con chưa biết đến mặt cha, Vũ Nương thương con thiếu thốn tình cảm của cha mà nghĩ ra cách đêm đến trỏ bóng mình trên vách nói với con đó là cha. Vũ Nương thiết nghĩ chồng với vợ như bóng với hình, nàng đã mượn chiếc bóng cùa mình để an ủi con, muốn đứa con nhỏ dại luôn nghĩ rằng cha luôn ở bên cạnh hai mẹ con. Nhưng nào ngờ đâu cái cớ sự khi Trương Sinh chở về nghe con thơ chưa hiểu chuyện cũng chẳng thèm nghe lời giải thích khuyên lơn, cứ dằn vặt, chửi mắng, đánh đập Vũ Nương.
Vũ Nương hết sức phân trần với chồng, nàng cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình: "Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin trần bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp" nhưng Trương Sinh ghen tuông mù quáng, mờ mắt không thấy đường phân định chính tà đang tâm đánh đuổi người vợ của mình đi. Vũ Nương đau đớn khôn xiết, những cũng đã cùng đường, nàng nhảy xuống sông tự vẫn, trước khi chết, nàng để lại lời oán than cho cuộc đời, niềm đau xót thấu trời xanh: "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương , xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ.
Về sau nỗi oan của Vũ Nương được chứng thực nhưng tất cả đã quá muộn. Trương Sinh đã tự mình đánh mất hạnh phúc của gia đình mình. Số phận bất hạnh không đáng của Vũ Nương chính là lời tố cáo đanh thép cho những bất công trong xã hội phong kiến đó.
Minh Tuệ