Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bài làm
Nguyễn Bình Khiêm là một trong những tác gia vô cùng nổi tiếng của nền văn chương Việt Nam thời kì phong kiến. Ông sống trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc khi mâu thuẫn trong chốn quan trường, những thế lực đen tối với những mưu đồ bất chính lũng loạn xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân. Giữa cái thế sự như mối tơ vò ấy, ông có thể được xem như là "một thanh âm trong trẻo xen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ". Qua tác phẩm Nhàn do chính ông chắp bút chúng ta có thể phần nào hiểu được điều đó.
Bài thơ được sáng tác trong giai đoạn nhà thơ về quê ở ẩn. Không hề dễ dàng cho sự lựa chọn đó, nhưng vì đất nước nay không còn có được sự thanh bình đáng mong ước mà thay vào đó là sự lũng loạn của những tên phản nghịch với những mưu đồ bất chính, tư lợi cá nhân mà đẩy dân chúng vào cảnh lầm than cơ cực. Nguyễn Bình Khiêm không hề muốn điều đó, lòng ông đau đơn khôn cùng nhưng cũng bất lực vì không thể cống hiến để đổi thay. Ông cáo quan về ở ẩn, tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dàu ai vui thú nào
Nguyễn Bình Khiêm là một bậc trí nhân, đối với ông, chữ "nhân" chữ "trung", chữ "tín" là vô cùng cần thiết trong cuộc đời nhưng ông cũng là người có cái nhìn rất khách quan về về cuộc sống xã hội, về kiếp nhân sinh của con người. Ông thực chất đã đạt tới trình độ có thể thấu tỏ nhân tình thế thái. Và mỗi lời thơ, mỗi ý tứ trong tác phẩm này của ông không chút thừa thãi, tất cả đều đáng suy ngẫm vì nó ẩn chứa triết lý sống vô cùng cao đẹp. Hai câu mở đầu liệt kê hàng loạt những công cụ gắn bó với đời sống của người nông dân, cái mai để đào mương, cái cuốc để làm vườn, làm ruộng, cái câu để câu cá. Nhưng đáng chú ý hơn khi câu thơ thứ nhất được chắp nối thêm ý tứ của câu thơ thứ hai "vui thú". Có thể cảm nhận được sự thanh nhàn trong cuộc sống của người nông dân này. Tại sao lại vậy và có thực là vậy? Việc nhà nông cực lắm, người nhà nông phải làm việc vất vả lắm nhưng sao từ xa xưa mỗi khi nhắc đến những danh xưng người nông dân, người ta lại có ngay ý tứ ghép thêm vào như "người nông dân thật thà, chất phác lắm". Thật sự là vậy, những người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng của mình, làm ra những hạt gạo vàng ngọc một cách vô cùng chân chính, cuộc sống hàng ngày của họ bình dị vô cùng, không chút bon chen, không chút vướng bụi trần. Chính bởi vậy mà dù cuộc sống vất vả nhưng họ vẫn hạnh phúc. Cuộc sống của họ có ý nghĩa vô cùng. Và Nguyễn Bình Khiêm nhận thấy điều đó một cách vô cùng rõ ràng. Hau câu thơ còn có một ý tứ rất sâu xa, đó là như một lời thách thức về cuộc tìm kiếm chân lý đích thực của cuộc sống.
Tiếp nối mạch thơ là hai câu thực, Nguyễn Bình Khiêm có sự chia sẻ ngắn gọn súc tích nhưng lại có ý nghĩa rộng lớn vô cùng:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Ở đây ta thấy rõ được sự đối lập giữa các sự vật trong hai câu thơ. “nơi vắng vẻ” là chốn thôn quê thanh bình, an nhàn vô âu vô lo, ở đó tâm hồn con người hòa nhập với thiên nhiên, còn “chốn lao xao” là nơi quan trường với những đua tranh ghen ghét của danh lợi, ồn áo phiền não. Phải chăng tác giả “dại” nên tìm nơi thôn quê, còn người đời “khôn” tìm đến chốn quan trường, nhưng thật chất ngược lại, xét trong câu thơ, “dại” có nghĩa là khôn, “khôn” có nghĩa là dại. Lối nói ngược mang ý nghĩa mỉa mai: người khôn mà chọn chốn lao xao đầy rẫy những tham lam, dục vọng , luôn phải suy nghĩ đắn đo, và như thế liệu có sung sướng? Phép đối hai câu thơ thực mang nghĩ mỉa mai chế giễu lũ người kia chỉ biết lao đầu vào tham vọng, vào vòng danh lợi. còn tác giả, ông phủ nhận vòng danh lợi ấy bằng cách thể hiện quan điểm, khí chất thanh cao trong sạch. “Nhàn” ở đây chính là cuộc sống thanh cao, tránh xa vòng danh lợi.
"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao"
Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng những ưu đãi của một thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hòa hợp với tự nhiên. Tận hưởng lộc từ thiên nhiên bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, nhà thơ cũng được hấp thụ tinh khí đất trời để gột rửa bao lo toan vướng bận riêng tư. Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát nét gần gũi với triết lí “vô vi” của đạo Lão. “Thoát tục” của đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hòa hợp với tự nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình. Không những thế, những hình ảnh măng trúc, giá, hồ sen còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hòa hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang Phu Tử đang sống đúng với thiên lương của mình. Quan niệm về chữ Nhàn của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:
“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."
Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đă nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gần với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ ông căm ghét và lên án trong rất nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình
Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bọn chúng là bầy chuột lớn gây hại nhân dân mà ông vô cùng căm ghét và lên án trong bài thơ ‘‘Tăng thử” (Ghét chuột) của mình. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý đáng trọng vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhàn cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền. Cội nguồn triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành vững tốt đẹp của nhân dân.
Bài thơ "Nhàn" như một bức thông điệp riêng biệt mà Nguyễn Bình Khiêm muốn dành cho cuộc đời. Một bậc đại trí luôn hướng lòng đến những điều chân chính, nhân nghĩa, đến cái chung, hết lòng vì nhân dân đất nước. Ông nêu lên cái triết lý nhân sinh ở đời, hướng con người sống có tâm, có tầm, sống có ý nghĩa, đừng nên mù quáng vào phú quý vinh hoa mà đánh mất một cuộc đời thanh thản.
Minh Tuệ