Bình giảng một đoạn thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

Bình giảng một đoạn thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

Hướng dẫn

Đề bài: Dựa vào sự hiểu biết của mình em Hãy bình giảng một đoạn thơ trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

Bài làm

Mở bài Bình giảng một đoạn thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Nguyễn Đình Thi khởi đầu bài thơ bằng những xúc cảm trước vẻ đẹp mùa thu. Đây là một quyết định khéo léo bởi vì trước kia mùa thu bao giờ cũng là thu thảm thu sầu còn từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 trở đi thì mùa thu vui – mùa thu cách mạng, mùa thu khai sinh ra đất nước. Khởi đầu bằng những cảm xúc trước vẻ đẹp mùa thu giúp cho Nguyễn Đình Thi có được những suy tư về đất nước một cách tự nhiên và thoải mái hơn.

Thân bài Bình giảng một đoạn thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã khắc họa hình tượng đất nước của mình với 2 đặc điểm rất lớn, vừa trái ngược nhau lại vừa rất hài hòa với nhau. Đấy là một đất nước vất vả đau thương với những cảnh đồng quê chảy máu dây thép gai đâm nát trời chiều, với cái cảnh “bát cơm chan đầy… còn giằng khỏi miệng ta”. Tuy nhiên đất nước chúng ta còn là một đất nước anh hùng quật khởi và một cái đất nước quật cường đã khiến cho kẻ thù bất lực. Đấy là tiếng nói hình ảnh của đất nước chưa bao giờ khuất. Đồng thời cảm hứng thơ còn đưa Nguyễn Đình Thi hướng tới tương lai. Ông như nhìn trước một nước Việt Nam từ trong máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Nguyễn Đình Thi thì khắc họa hình tượng đất nước với 2 đặc điểm và đặt hình tượng đất nước trong mối quan hệ với quá khứ và tương lai. Bài thơ cho ta cảm nhận được những xúc cảm và suy nghĩ của nhà thơ về đất nước qua những hình ảnh mùa thu và hình ảnh đất nước đau thương, bất khuất, anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo

Thơ Nguyễn Đình Thi thường giàu nhạc tính có chất hội họa và điều đặc sắc nhất là có cả những suy tư sâu sắc của một tư duy triết học. Bài đất nước của Nguyễn Đình Thi được bắt đầu bằng những xúc cảm trước vẻ đẹp của mùa thu, mùa thu Hà Nội trong hồi tưởng và mùa thu Việt Bắc trong hiện tại. Để rồi sau đó mới chuyển sang quá khứ 2 thời điểm để diễn tả những suy tư cả tác giả đối với đất nước.

Theo xuất xứ của bài thơ thì đây hẳn là nỗi nhớ của tác giả về thu Hà Nội năm xưa, tôi như thấy hình ảnh của một người chiến sĩ ở núi rừng Việt Bắc đang nhớ về Hà Nội.

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.”

Một từ “chớm” đứng trước từ “lạnh” diễn tả rất đúng cái cảm giác của tác giả khi Hà Nội vào thu. Cái lạnh mới đến nên còn e ấp sẽ sàng, như ngọt ngào báo hiệu. Thế là mùa hạ nồng nực với những cơn nắng đổ lửa đã đi xa rồi, mùa thu mới vừa đến sáng nay…Thu đã đến thật trong lòng Hà Nội, trong không gian hoa cỏ của Hà Nội… hay chính trong lòng người?

Cái từ “chớm lạnh” thật “đắt” đã diễn tả niềm cảm xúc mãnh liệt của Nguyễn Đình Thi thật trọn vẹn. Phải chăng tác giả cũng đồng ý với câu: “Một con én không dệt nổi mùa xuân nhưng khi xuân đến là lúc có chim én bay liệng”. ở đây cũng vậy, có “chớm lạnh” mới biết thu sang.

Có nghĩa là ngô đồng rơi một lá, ai cũng biết thu sang.Thế đấy! Chỉ cần một lá ngô đồng rụng cũng đủ biết mùa thu đã đến rồi!

“Những phố dài xao xác hơi may…”

Gió thổi dài trên phố như kéo dài không gian ra, không gian dài, phố càng dài hơn, buồn hơn và vắng lặng hơn, chỉ có gió rong ruổi mải miết trên phố vắng. Mà nó cũng chưa thật là gió, đó chỉ là hơi may- hơi thở của mùa thu mà thôi. Từ “xao xác” trong câu thơ cũng làm lòng ta xao xác vì buồn. ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh từ “xao xác” mới phug hợp với “hơi may”.

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại”

Đầu không ngoảnh lại mà biết được sau lưng, biết một cách rất rõ thì quả là rất lạ! Lạ nhưng vẫn rất hợp lý, nhất là hợp tình. “Đầu không ngoảnh lại…Người đi có thật không luyến tiếc gì về nơi cũ chăng?”.

Với sự dứt khoát đến vậy thì mấy ai nghĩ rằng cuộc tiễn đưa ấy đã “Đầy hoàng hôn trong mắt trong”?. Có mấy ai nghĩ rằng lòng người ra đI cũng đang “có tiếng sóng” dù không được tiễn qua sông? ở đây cũng thế, tuy “ra đi đầu không ngoảnh lại” nhưng làm sao tránh khỏi bịn rịn, không chút xao xác buồn khi chia xa Hà Nội nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó, nơi đẹp đến thế, thân yêu đến thế, Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, với hàng ngàn năm lịch sử, bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể nghe kể về một truyền thuyết hoang đường hoặc một danh nhân nổi tiếng…Đáng yêu dáng nhớ đến vậy thì làm sao không buồn khi cách xa.

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Người ra đi quả thực kì lạ, dường như có giác quan thứ sáu ở sau lưng để quan sát mọi việc xảy ra. Giác quan ấy hẳn là giác quan “yêu thương” đặc biệt mà chỉ có Nguyễn Đình Thi mới có được.

Xem thêm:  Phân tích hai bức tranh mùa thu xưa và nay cùng với sự thay đổi về cảm xúc của Nguyễn Đình Thi trong bài đất nước

Tiết tấu, nhịp điệu câu thơ rất lạ, bảy tiếng đều đặn như tiếng lá rơi ở thềm nắng, như lắng đọng trong lòng người đi cảm giác mãnh liệt đang trỗi lên. Câu thơ như nhịp bước đầy dặn của người đi đầy quả quyết mà lưu luyến, lặng lẽ mà xao động, đầu không ngoảnh lại mà lòng người mãI hướng về…

Hẳn là người ra đi đang cố nén xúc động, sợ ánh mắt phải bắt gặp cảnh cũ, lòng sẽ không thể xa rời người ấy đang cố tạo cho mình sự bình thản nhưng có ai biết lúc ấy, người đang cố giấu che những giọt nước mắt đang rơi mằn mặn bờ môi? Tất cả chỉ mong có kẻ nào đó ở lại quê nhà yên lòng dù người đi đang tan nát lòng, đang tắt nghẹn trong hơi thở…

Lá rơi hay thềm nắng hiên nhà đang rơi và cả tâm hồn người đi nữa: cũng đang rơi vào một khoảng không sâu thẳm mênh mông không nơi bám víu. Có mùa thu nào mới chớm đẹp như thu Hà Nội chăng? Có nỗi buồn nào sâu lắng hơn nỗi buồn chia tay này chăng? Phải yêu Hà Nội đến cháy lòng mới có được cái cảm xúc mãnh liệt mà sâu lắng tuyệt vời đến thế!

Kết luận Bình giảng một đoạn thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi

Đoạn thơ thật ngắn ngủi với bốn câu thơ theo lối thơ tứ tuyệt đường luật, tác giả không tả nhiều về Hà Nội nhưng lại bộc lộ thành công cái tình cảm yêu thương Hà Nội mãnh liệt của người đi. Bằng sự chân thật trong tận tâm hồn, Nguyễn Đình Thi đã tạo được những vần thơ rất tuyệt vời về mùa thu, về khung cảnh và hơn hết đó là tấm lòng mà tác giả chỉ dành riêng cho Hà Nội.

Theo Tacgiatacpham.com