Bình giảng bài thơ ‘Nguyệt’ của Trần Nhân Tông

Bình giảng bài thơ ‘Nguyệt’ của Trần Nhân Tông

Hướng dẫn

Trần Nhân Tông (1258 – 1308)

Bán song đãng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu dinh dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

Trăng

Bóng đèn soi nửa cửa đổ, sách đầy giường,

Sương thu rơi ngoài sân, ban đêm khí trời trống không, lặng lẽ.

Thức dậy, tiếng chày đập vải đã vắng ngắt,

Bóng trăng vừa hé gọi trên chùm hoa mộc.

Bên song, đèn rạng, sách đầy giường,

Khí lạnh, đêm thu, đượm giọt sương.

Thức dậy, tiếng chày đà lặng ngắt,

Trên chùm hoa mộc, nguyệt lồng hương.

(Bản dịch ‘Hoàng Việt thi tuyển’)

‘Nguyệt’là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trần Nhân Tông (1258 – 1308), nhà vua anh hùng – thi sĩ của Đại Việt trong thế kỉ 13. Ta dự đoán, bài thơ có thể được viết khi đất nước ta đã ‘rửa sạch mấy lần giáp hĩnh’ bước vào một kỉ nguyên mới: ‘Giặc tan muôn thuở thanh hình’ (‘Bạch Đằng Giang phú’ – Trương Hán Siêu).

Bao trùm bài thơ là một không khí, một không gian nghệ thuật êm đềm, trong sáng và thơ mộng.

Bài thơ tả cảnh một đêm thu nơi cung cấm. Nhà vua không đắm chìm trong tửu sắc, không chuếnh choáng trong nhã nhạc, mà thức khuya đọc sách. Một không gian thoáng đãng: cửa sổ rộng mở, đầy ánh sáng, ánh sáng của ngọn đèn, ánh sáng của tri thức của trí tuệ. Hình ảnh ‘mãn sàng thư’ (sách đầy giường) đã thể hiện một tâm hồn, một cốt cách cần mẫn, cao nhã và hiếu học. Sử sách cho biết Trần Nhân Tông là một con người siêng năng, giản dị và thông tuệ. Một câu thơ, một con người:

Xem thêm:  Biểu cảm về người thân (người mẹ kế)

‘Bán song đăng ảnh mãn sàng thư’

(Bên song đèn rạng, sách đầy giường)

Sau này Lê Thánh Tông cũng sống đẹp như thế:

‘Trống dời canh còn đọc sách,•

Chiêng xế hóng chửa thôi chầu’

(Tự thuật)

Câu thơ thứ hai tả cảnh đêm thu. Sương rơi. Trời đêm trong sáng mênh mỏng, êm đềm lặng lẽ. Câu thơ lấy ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm phong phú, vô cùng thư thái. Nhà vua vừa đọc sách vừa nghe tiếng sương thu nhẹ rơi ngoài sân. Câu thơ thứhai đượm màu sắc cảm giác, xúc giác; cảnh diễn tả tinh tế nhẹ nhàng: ‘Lộ trích thu đình dạ khí hư’

(Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương)

Hai câu 3, 4 tả cảnh nhà vua từng đọc sách suốt đêm khuya nhưng dậy rất sớm. Chưa nghe tiếng gà gáy. Chưa nghe tiếng chày đập vải. Bốn bề vắng lặng, gợi lên không khí thanh bình của đất nước. Nhà thơ ngắm nhìn hoa, nhìn trăng. Hình tượng ‘trăng lồng hoa’ rất thơ mộng hữu tình:

‘Thụy khởi chàm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ’

(Thức dậy, tiếng chày đà lặng ngắt,

Trên chùm hoa mộc, nguyệt lồng hương)

‘Trong động cổ tĩnh, trong tĩnh có động’là một trong những thủ pháp nghệ thuật của Đường thi. Trong bài thơ ‘Trăng’ này, Trần Nhân Tông đã lấy tĩnh để tả động, làm nổi bật ‘trong tĩnh có động’, đó là ngoại cảnh thì bốn bề lặng ngắt (châm thanh vô mịch xứ), bóng trăng thì hé gọi trên chùm hoa mộc, nhưng trong lòng nhà thơ thì xao động, dào dạt sức sống và tinh thần lạc quan yêu đời. Vừa đắm mình vào sách (thi thư), vừa chan hòa vào hương hoa và ánh trăng. Đó là tâm hồn thanh cao, giàu trí tuệ, giàu tình yêu thiên nhiên.

Xem thêm:  Phân tích và chứng minh Bố của En-ri-cô rất yêu thương con, nhưng cũng rất nghiêm khắc trước những lỗi lầm cua con

‘Nguyệt’là một bài thơ trăng rất đẹp của Trần Nhân Tông. Lời thơ nhẹ nhàng, thanh khiết. Hình tượng thơ chấm phá, gợi cảm, đầy chất thơ. Nó đã thể hiện một phong cách sống rất đẹp, một hồn thơ đẹp của ông vua anh hùng. Ta cảm thấy nhà vua đang thoát dần bệ ngọc ngai vàng mà đến với trăng, với hoa, với suối rừng Yên Tử.

Theo Tacgiatacpham.com